Bà Vương Thị Hía (bà nội của Trần Nhật Anh, năm nay đã 67 tuổi) kể lại: “Tui có đứa con trai đi làm thuê ở Sóc Trăng, gặp và cưới mẹ bé Nhật Anh. Thật không may cháu đã bị ngột trong bụng mẹ, inh ra thì èo uột, đến 8 tháng tuổi cháu thường xuyên bị sốt, mẹ cháu không có tiền nên chỉ cho uống thuốc hạ sốt thông thường. Khi cháu được 13 tháng, một cơn sốt cao kéo đến, cháu được đưa đến bệnh viện thì bác sĩ cho hay cháu đã bị bại não”. Chăm sóc đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc đứa trẻ bị bệnh khó hơn trăm phần và không có thời gian lao động kiếm tiền. Do vậy, mẹ Nhật Anh đã gửi cháu cho bà nội chăm sóc, kiếm công việc phụ chồng nuôi con.
Nhật Nam đang tập đi trước nhà.
Bà Hía dù lớn tuổi, sức yếu, mang trong người nhiều căn bệnh của tuổi già, nhưng hàng ngày vẫn cố gắng chăm sóc cháu nội. Do di chứng của sốt bại não nên em không thể nói chuyện, phát âm như những đứa trẻ thông thường. Em đã cố gắng nói và kết hợp hành động tay, chân thì bà nội mới hiểu. Đôi chân bị co quắp nên không thể đi lại, thời gian gần đây, em được nhà hảo tâm giúp đỡ, đưa lên TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật chỉnh hình đôi chân, em đã có thể di chuyển được. Thấy em lần vách nhà từng bước tập đi quá khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vọng Đông đã tặng em một chiếc xe tập đi. Có được chiếc xe, em phấn khởi lắm, thích đẩy xe trước sân nhà để tập đi, buông xe ra em đã đi được nhưng đôi lúc bị té ngã.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vọng Đông Trần Trịnh Thanh Thảo cho biết: “Hoàn cảnh gia đình bé Nhật Nam rất khó khăn. Bà nội cháu thường xuyên đau bệnh, vừa chăm sóc cho chồng ngoài 80 tuổi, vừa chăm sóc đứa cháu bị tật. Do cả 2 ông, bà đều lớn tuổi nên mọi chi tiêu sinh hoạt đều trông chờ vào số tiền ba, mẹ bé Nhật Nam gửi về. Ba, mẹ em Nam cũng rất khó khăn, đi làm thuê xứ người công việc không ổn định, nên lâu lắm bà nội mới nhận được chút ít. Thấy hoàn cảnh khó khăn, hàng xóm, tổ chị, em phụ nữ giúp đỡ bà mỗi khi bà gặp cảnh đau ốm. Những người xung quanh thấy người già nuôi trẻ nhỏ khuyết tật, trẻ khuyết tật nương tựa ông, bà rất xót xa nhưng chưa thể làm gì để giúp đỡ gia đình dài hơi hơn. Ai cũng quan tâm đến tương lai của đứa trẻ, em sẽ sống sao, lớn lên làm được việc gì để tự nuôi sống bản thân và thoát khỏi tình cảnh khó khăn, chật vật”.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội- Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn- Chi nhánh An Giang.
|
Bài, ảnh: NGỌC GIANG