Ông Nguyễn Văn Đức là con của mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Bạc (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn). Những năm đất nước chìm trong khói lửa, đạn bom, trước cảnh nước mất, nhà tan, ông Đức đã sớm thoát ly gia đình để làm công tác giao liên. Năm 1972, ông bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng với khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, ông một mực không khai báo. Sau 6 tháng bị giam giữ, tù đày nhưng địch không khai thác được gì ở ông, chúng đã thả ông về quê, cho mật vụ theo dõi hòng bóc tách các đường dây liên lạc của ta ở ngoại thành. Song bằng sự mưu trí, sáng tạo, ông bình tĩnh phân tích tình hình và báo với tổ chức để xin ý kiến. Năm 1973, ông thoát ly gia đình, tham gia vào lực lượng bộ đội địa phương.
Chính quyền địa phương đến thăm hỏi động viên gia đình ông Đức
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4), một lần nữa, nghe theo tiếng gọi của non sông, ông Đức tiếp tục tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Chiến tranh biên giới kết thúc, ông phục viên trở về địa phương sinh sống với gia đình. Ông Nguyễn Văn Đức hiện đã 63 tuổi, gia đình có 8 người con. Các con của ông nay đã lớn khôn, có người đã lập gia đình và hiện đang đi làm thuê tận Bình Dương, Đồng Nai để sinh sống. Căn nhà vợ chồng ông sinh sống đến nay đã mục nát mà không có tiền để sửa chữa. “Bước vào mùa mưa, đêm nào mưa xem như đêm đó vợ chồng không còn chỗ để ngủ, cả căn nhà đều dột. Có đêm, mưa lúc nửa khuya, vợ chồng thức dậy ngồi lấy áo mưa đội lên, chờ khi mưa tạnh, lau nhà mới ngủ được. Tôi mơ ước có căn nhà lành lặn để vợ chồng trú mưa, trú nắng, sống những ngày còn lại của cuộc đời” - bà Nguyễn Kim Hoa nói trong nước mắt.
“Từ khi phục viên đến nay, ông Đức chỉ được hưởng chính sách trợ cấp theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với số tiền 1.250.000 đồng. Do hoàn cảnh gia đình có đến 8 người con, vì vậy số tiền đó không thể cất nổi 1 căn nhà. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ, cùng với địa phương xây dựng cho ông Đức căn nhà lành lặn để trú mưa, trú nắng…” - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam huyện Thoại Sơn Lê Minh Thắng kêu gọi.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội- Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Têntài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang.
|
Bài, ảnh: MINH HIỂN