Khôi phục đài thờ tại tháp A10 trong quần thể nhóm tháp A Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN
Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết, Đài thờ Mỹ Sơn A10 nằm trong đền A10 thuộc nhóm tháp A, khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là một đài thờ vuông được ghép từ 17 khối sa thạch, xếp thành 5 lớp chồng lên nhau, có kích thước: cao 2m26, dài 2m58, rộng 2m58. Trên Đài thờ là bộ Longa và Yoni liền khối, trong đó Yoni có kích thước dài 2m25, rộng 1m69, dày 31cm, Linga có đường kính 55cm, cao 57cm là hình trụ tròn, được mài nhẵn, có đường gờ chạy vòng quanh.
Bốn mặt của phần đế Đài thờ Mỹ Sơn A10 có bố cục trang trí khá giống nhau, mỗi mặt gồm 3 vòm cửa giả thu nhỏ nhô ra, một ở giữa và hai cửa giả ở hai đầu. Mỗi vòm cửa, mặt Đông, Tây, Nam là những tu sĩ nam đứng chắp hai tay trước ngực theo dạng thức anjali mudra. Các tu sĩ này mặc sampot có tà trước dài dưới đầu gối và hai dải thòng xuống hai bên từ đai nịt của sampot. Trong vòm cửa giữa của mặt Bắc là một đạo sư có râu cằm dài chảy xuống trước ngực ngồi theo dạng thức ràjalìlàsana (kiểu ngồi hoàng gia) chân phải gấp cao, chân trái xếp bằng, tay phải đặt trên đầu gối phải và cầm tràng hạt, tay trái đặt trên gối trái, mặc đai nịt, khuôn mặt lớn, búi tóc với kiểu thức jata - mukuta, tai dài, lông mày nối, trán ngắn. Đạo sư ngồi trên bục có trang trí nột nửa bông hoa. Hai người hầu mặc khố, chắp tay đứng trong vòm cửa hai bên.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Đài thờ Mỹ Sơn A10 còn khá nguyên vẹn. Linga có vết rạn nứt chạy dọc từ chân lên đỉnh Linga nhưng nhìn chung, chất lượng đá xây đài thờ còn khá tốt. Đài thờ đã được phát hiện dưới lòng hố thiêng trong quá trình trùng tu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn do các chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ thực hiện. Đài thờ này được sắp xếp và trả lại vị trí trong đền A10 vào đầu tháng 7-2020.
Đài thờ có niên đại từ cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X. Đây là một hiện vật gốc, độc bản. Đài thờ Mỹ Sơn A10 là hiện vật có hình thức độc đáo với tượng thờ Linga -Yoni liền khối lớn nhất trong điêu khắc Chămpa cho đến nay. Bên cạnh đó có trang trí các hoạ tiết và hoa văn tiêu biểu thuộc phong cách Đồng Dương, là đài thờ nguyên vẹn hiếm hoi còn nguyên vị trong không gian thờ tự Shiva qua biểu tượng Linga - Yoni, có niên đại từ thế kỷ IX - X, cùng với công trình kiến trúc của Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Theo ĐOÀN HỮU TRUNG (TTXVN)