Tranh lá của học sinh được trưng bày tại thư viện trường
Cô Võ Thị Mỹ Duyên (Tổ trưởng chuyên môn Tổ Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu) cho biết: “Nhằm đổi mới các hoạt động của tháng bộ môn, năm nay, chúng tôi phát động cho học sinh toàn trường cùng tham gia hoạt động thú vị và đầy sắc màu hơn, đó là làm tranh lá. Trên cơ sở tìm kiếm nhiều loại lá từ thiên nhiên, học sinh được hướng dẫn cách xử lý lá, gân lá để tác phẩm làm ra được bảo quản lâu hơn. Các em có thể lựa chọn nhiều chủ đề khác nhau về trường lớp, thầy cô, tình yêu gia đình, quê hương đất nước, phong cảnh thiên nhiên...
Trong thời gian phát động từ tháng 2 đến cuối tháng 3, các em làm cá nhân hoặc lập nhóm để hoàn thành tác phẩm gửi về ban tổ chức. Điều bất ngờ là ngay khi phát động, học sinh các lớp rất tích cực tham gia, hoàn thành và gửi về 225 bức tranh. Các bức tranh đẹp mộc mạc, tự nhiên, công phu, thể hiện phong cách làm tranh rất mới. Ban tổ chức đã chọn 120 bức tranh trưng bày tại thư viện trường và sắp tới là hoạt động đấu giá gây quỹ vì học sinh nghèo”.
Lần đầu tiên làm tranh lá với em Cao Hồng Vân (học sinh lớp 11A2) là cả một sự đam mê. Em chọn cho mình đề tài rất khó, là làm chân dung Bác Hồ. Vân chia sẻ: “Hình ảnh Bác Hồ, bản đồ Việt Nam luôn trong trái tim em. Em muốn truyền tải tình yêu với Bác Hồ, yêu quê hương đất nước qua tác phẩm của mình. Do chưa am hiểu, nên em lên mạng tìm hiểu về tranh lá và đi đến thực hiện bức tranh chân dung Bác từ lá sen. Em đã nhờ ba mẹ tìm giúp lá sen, trải qua các công đoạn thử nghiệm, phơi, xử lý lá sen kỹ càng, tạo hình Bác Hồ trên lá và tỉ mẩn tạo hình những mảng sáng - tối và nụ cười hiền hòa trên gương mặt Bác. Sau 2 tuần, em hoàn thành tác phẩm. Em rất vui vì bức tranh của mình được đánh giá cao và quan trọng hơn là qua hoạt động, em rút ra nhiều bài học. Đó là làm việc gì cũng phải có kiến thức, kỹ năng, niềm đam mê và sự kiên trì, đặt cái tâm mình vào hoạt động đó thì mới mang lại hiệu quả”.
Còn bạn Nguyễn Thị Cẩm Tú (học sinh lớp 10S) thì chọn đề tài đơn giản hơn để thực hiện chính là “Cánh đồng quê”. Đó là hình ảnh mộc mạc, giản dị, luôn in hằn trong tâm trí em. Tú đã cùng 2 bạn trong lớp, phân công nhau đi nhặt nhiều loại lá với các màu sắc tự nhiên từ xanh đến vàng, nâu, đỏ. Sau đó, các bạn phác thảo ý tưởng và thực hiện. Trong quá trình làm, chúng em tranh luận, để rồi sau đó nhận ra chính cách làm việc nhóm đã làm cho bức tranh ngày càng hoàn thiện hơn. Nhặt từng chiếc lá, đính lên để tạo hình phong cảnh ngôi nhà, đồng ruộng, chúng em rất vui, phấn khởi vì được tái hiện khung cảnh thiên nhiên, quê hương mình đến người xem” - Tú chia sẻ.
Không chỉ chọn những đề tài quen thuộc, nhiều học sinh còn thử sức về đề tài “nặng ký” hơn, đó là về phong cảnh Bảy Núi, hình ảnh phụ nữ, hình ảnh cha - con. “Khi chấm chọn các tác phẩm, chúng tôi rất bất ngờ. Vì nhiều em ngày thường ít nói chuyện với bạn bè, ít bày tỏ tình cảm với gia đình, nhưng thông qua tác phẩm thể hiện hình ảnh mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đó là bức tranh có hình ảnh ba mẹ ôm con ngày thơ bé, kèm những chiếc lá được xử lý cẩn thận và dòng chữ “Thân này là của mẹ cha, sẻ chia máu thịt cho con thành người”. Phụ huynh nghe đến con làm tranh về cha mẹ đã rất xúc động. Nhiều giáo viên chủ nhiệm rất cảm xúc khi học trò làm tranh chân dung của mình để tham dự cuộc thi” - cô Duyên chia sẻ.
“Dù lần đầu phát động nhưng cuộc thi đã mang lại nhiều ý nghĩa. Qua phong trào, các em vừa học vừa chơi, có dịp thư giãn sau giờ học căng thẳng. Các em được giao lưu, kết nối, phát huy tài năng nghệ thuật và đặc biệt hơn là biết yêu thương, phát huy lòng nhân ái, nỗ lực làm những bức tranh đẹp, ý nghĩa nhằm triển lãm và bán đấu giá nhỏ.
Thông qua đăng tải các bức tranh trên các hội, nhóm, triển lãm tại chỗ, chúng tôi mong số tiền thu được từ việc bán tranh sẽ dành tặng cho học sinh nghèo của trường, giúp các em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường và học tập tốt hơn” - cô Duyên cho biết.
NGỌC GIANG