Khi việc học tập Bác lan tỏa, ngày càng xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân tích cực phát huy tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng. Điển hình như Tổ cất nhà từ thiện xã Ô Long Vĩ có 16 thành viên, hầu hết đều là những lão nông đã ngoài 50 tuổi nhưng ai cũng hết lòng, nhiệt tình, tích cực giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm qua, những lão nông này đã chung tay tạo nên hàng trăm ngôi nhà để người nghèo được an cư. Là thành viên của Tổ cất nhà từ thiện xã Ô Long Vĩ, ông Nguyễn Văn Lơ chia sẻ: “Ngày xưa, cuộc sống gia đình tôi vô cùng vất vả nên tôi hiểu nỗi khổ của người nghèo. Hiện nay, hoàn cảnh gia đình đã cơ bản ổn định, tôi dành thời gian góp sức cùng anh em trong tổ giúp đỡ bà con. Đa phần những thành viên trong tổ đều chịu khó học hỏi từ các anh, chú đi trước, làm riết quen tay”. Một thành viên khác của tổ là ông Hà Văn Thi bày tỏ: “Nghe địa phương tuyên truyền nên chúng tôi biết được mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã. Bằng những việc làm nhỏ của mình, chúng tôi mong muốn góp sức cùng chính quyền và bà con địa phương chung tay đưa xã nhà vươn lên, sớm đạt được những tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới”. Ngoài việc cất nhà cho người nghèo, Tổ cất nhà từ thiện xã Ô Long Vĩ còn tham gia nhiều hoạt động xã hội khác tại địa phương như: xây cầu, làm đường, vận động giúp đỡ người nghèo…
Trường THCS Bình Mỹ giáo dục học sinh học tập Bác
Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Cái Dầu, việc học Bác được thực hiện thông qua những mô hình mang đến hiệu quả thiết thực, gắn với công tác hội như mô hình “Kho gạo tình thương”. Mô hình này được hội triển khai thực hiện trong năm 2018, với mục đích ban đầu giúp đỡ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Khi phát động mô hình được người dân tham gia nhiệt tình, số gạo tiếp nhận nhiều hơn dự kiến, nên hội mở rộng cấp phát cho nhiều đối tượng. Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cái Dầu Bùi Thị Hoàng Oanh cho biết: “Mô hình ra mắt, không chỉ chị em hội viên phụ nữ tham gia mà còn có nhiều người dân địa phương cũng đến góp gạo. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2019, “kho gạo” tiếp nhận được 1.522kg, từ đó đã xét tặng cho 80 hộ có hoàn cảnh khó khăn với số lượng 800kg. Ngoài việc hỗ trợ cho người dân trong lúc cấp thiết, chúng tôi hy vọng “Kho gạo tình thương” sẽ trở thành nơi kết nối những tấm lòng hướng thiện và là nguồn động viên, giúp bà con nghèo khắc phục hoàn cảnh, phấn đấu vươn lên”. Bên cạnh mô hình “Kho gạo tình thương”, Hội LHPN thị trấn Cái Dầu còn triển khai đồng thời nhiều mô hình thiết thực được hội viên nhiệt tình hưởng ứng, như: Tổ tiết kiệm 5.000 đồng, Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ny-lon, Tổ cho vay vốn.…
Tại Trường THCS Bình Mỹ, việc học tập Bác được nhà trường chú trọng lồng ghép vào các hoạt động giáo dục học sinh, thông qua Hội thi chúng em kể chuyện Bác Hồ được tổ chức hàng năm. Hiệu trưởng Trường THCS Bình Mỹ Nguyễn Thanh Tiền cho biết: “Hội thi chúng em kể chuyện Bác Hồ được tổ chức hàng năm nhằm giáo dục học sinh về truyền thống dân tộc, về tấm lòng, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà trường mong muốn thông qua những câu chuyện cảm động, ý nghĩa về cuộc đời hoạt động cách mạng, lối sống giản dị, tình cảm của Bác dành cho thiếu niên nhi đồng… sẽ khuyến khích các em phấn đấu học tập tốt, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ”. Năm học 2018-2019 là năm thứ 12 Trường THCS Bình Mỹ tổ chức Hội thi chúng em kể chuyện Bác Hồ, đối tượng tham gia là các em học sinh từ khối 6 đến khối 9, mỗi lớp đại diện 1 học sinh kể 1 mẫu chuyện về Bác. Vòng chung kết, trao giải Hội thi chúng em kể chuyện Bác Hồ diễn ra nhân ngày sinh nhật Bác (19-5).
CHAU QUY