Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mekong và các đối tác: Tăng hợp tác, thúc đẩy phát triển

04/08/2019 - 07:57

Ngày 3-8, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) tại Bangkok, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 12 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong - Hàn Quốc lần thứ 9.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ hai, từ trái sang) và các Bộ trưởng Ngoại giao dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Triển khai Chiến lược Tokyo 2018

Hội nghị do Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đồng chủ trì, với sự tham dự của bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. 

Tại hội nghị, các bộ trưởng đánh giá hợp tác Mekong - Nhật Bản đã có những tiến triển, đóng góp hiệu quả vào phát triển và thịnh vượng ở khu vực. Hội nghị đã tập trung trao đổi việc triển khai Chiến lược Tokyo 2018, tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm giao lưu Mekong - Nhật Bản, và định hướng hợp tác cho thời gian tới. 

Các bộ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong thúc đẩy kết nối khu vực, tạo được các hoạt động có bản sắc riêng thông qua triển khai các sáng kiến “Đối tác vì hạ tầng chất lượng cao”, “Thập kỷ hướng tới Mekong xanh”. Các bộ trưởng nhất trí cần tăng cường hơn nữa hợp tác kết nối, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế phù hợp với bảo vệ môi trường, giảm thiểu thiên tai, gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong; tăng cường hợp tác với Ủy hội sông Mekong nhằm hiện thực hóa Mekong xanh và “Sáng kiến hợp tác Mekong - Nhật Bản về các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới 2030”. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố đồng chủ tịch và nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Nhật Bản lần thứ 13 tại Nhật Bản trong năm 2020.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề xuất một số nội dung mà hợp tác Mekong - Nhật Bản cần chú trọng trong thời gian tới nhằm thiết lập tầm nhìn về một Mekong xanh, kết nối sống động, hiệu quả và lấy con người làm trung tâm. Trong đó gồm: hỗ trợ các nước Mekong giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường; quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước sông Mekong; phát triển nông nghiệp thông minh; xây dựng năng lực để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc; cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng để tăng khả năng cạnh tranh, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và môi trường kinh doanh; hỗ trợ các nước Mekong phát triển nguồn nhân lực về công nghiệp, nông nghiệp và kỹ thuật số.

Đánh giá cao vai trò của Hàn Quốc

Trong khi đó, với đối tác Hàn Quốc, các bộ trưởng ASEAN đánh giá cao đóng góp của Hàn Quốc đối với khu vực Mekong trong thời gian qua thông qua hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và Quỹ Hợp tác Mekong - Hàn Quốc (MKCF). Các bộ trưởng cũng hoan nghênh Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc với tầm nhìn về “Một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng, lấy người dân làm trung tâm” và quyết định tổ chức Hội nghị cấp cao Mekong - Hàn Quốc lần đầu tiên bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc vào tháng 11-2019 tại Busan, Hàn Quốc; ghi nhận tiến triển của các dự án hợp tác, nhất trí tiếp tục triển khai các dự án ưu tiên. Trong năm 2019, Quỹ Ủy hội sông Mekong (MKCF) sẽ hỗ trợ cho 7 dự án mới, trong đó có dự án của Việt Nam về “Tăng cường các tổ chức sử dụng nước để nâng cao năng lực tưới tiêu phục vụ phát triển nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao đóng góp của Hàn Quốc tại khu vực Mekong và đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên thời gian tới: Thúc đẩy đối thoại, đào tạo kỹ thuật và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tăng trưởng xanh; Tăng cường hợp tác nông nghiệp nhằm phát triển các giống cây trồng thích ứng với khí hậu, quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, sử dụng nước hiệu quả; Đẩy mạnh hợp tác giáo dục, hỗ trợ phát triển ICT tại các vùng nông thôn và phát triển lực lượng lao động trong lĩnh vực ICT.

Theo HẠNH CHI (SGGP)