Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang, 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động tiền tệ, tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá. Trong đó, nhu cầu vốn ngắn hạn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế tăng mạnh; cơ cấu tín dụng thay đổi theo hướng tích cực; dòng vốn được tiếp tục định hướng vào các lãnh vực ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể, tổng dư nợ 64.602 tỷ đồng, tăng 6,27% so với cuối năm 2017; tăng trưởng tín dụng 2,19%; nợ xấu chiếm 1,64%/ tổng dư nợ. Trên địa bản tỉnh hiện có 1.619 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, chiếm 30,68% doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng dư nợ 13.128 tỷ đồng, chiếm 20,32% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng đã đóng góp ý kiến, đề nghị ngân hàng tạo điều kiện về cơ chế, chính sách vay vốn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với trường hợp dự án bị ảnh hưởng do thiên; thủ tục hành chính về cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản chậm, làm ảnh hưởng đến vay vốn của doanh nghiệp; việc phổ biến các chủ trương chính sách tín dụng tại các ngân hàng chưa rộng rãi, doanh nghiệp ít tiếp cận.
Để tạo điều kiện kết nối tốt hoạt động giữa ngân hàng và doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang sẽ tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách của Ngân hàng và các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh đến các tổ chức tín dụng; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp các dịch vụ ngành hàng và chính sách tín dụng; tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng…
Tại Hội nghị, có 4 Ngân hàng thương mại gồm Ngân hàng BIDV Bắc An Giang; Vietinbank An Giang; Vietcombank An Giang; Sacombank An Giang ký kết hợp đồng nguyên tắc cấp tín dụng với 6 doanh nghiệp trong tỉnh thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thương mại dịch vụ, với tổng số vốn 128 tỷ 200 triệu đồng./.
Theo HÀ NGÂN (angiang.gov.vn)