Hội thảo khởi động Dự án “Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên, nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long- Mekong NbS”

15/09/2023 - 12:40

 - Sáng 15/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang phối hợp Tổ chức WWF Việt Nam tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên, nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long- Mekong NbS”.

Đại diện Tổ chức WWF, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên – Môi trường), Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng An Giang, các nhà khoa học, giảng viên nghiên cứu từ các Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học An Giang đã tham dự hội thảo.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe chia sẻ hoạt động của Khu Bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư và các thách thức trong công tác bảo tồn; Công ước Ramsar và những vấn đề cần định hướng để đáp ứng các tiêu chí Ramsar của Khu Bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư.

Đồng thời, được giới thiệu tổng quan Dự án “Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên, nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong NbS)”, các hiến kế về quản lý nguồn nước tại các vùng đất ngập nước, các mô hình sinh kế dựa vào lũ (NbS) tại các tỉnh thượng nguồn sông Mekong…

Giám đốc Quốc gia Tổ chức WWF Việt Nam Văn Ngọc Thịnh phát biểu tại hội thảo

“Thực hiện dự án, các nhà nghiên cứu mong muốn tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi trước các tác động của biến đổi khí hậu, phục hồi đa dạng sinh học đất ngập nước, phát triển và mở rộng các mô hình sinh kế dựa vào tự nhiên ở vùng đầu nguồn của đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu cụ thể là khôi phục các sinh cảnh đất ngập nước và các chu trình tự nhiên của đồng bằng, như: dòng chảy tự nhiên, tích tụ và bồi lắng phù sa ở vùng đệm, thông qua thực hiện hàng loạt hoạt động trong và xung quanh rừng tràm Trà Sư.

 Cùng với đó, xây dựng và thực hiện các giải pháp sinh kế dựa vào tự nhiên (canh tác “thuận thiên”), có tiềm năng mở rộng và khả thi cho đầu tư quy mô lớn trên toàn vùng đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Đồng Tháp mười và Tứ giác Long Xuyên…”- Giám đốc Quốc gia Tổ chức WWF Việt Nam Văn Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Tin, ảnh: TRÚC PHA