Hơi thở của nghề truyền thống

18/12/2024 - 07:59

 - Có những nghề thủ công truyền thống tồn tại đến nay chỉ còn vài người níu giữ, nhưng vào khoảnh khắc nhất định, người ta lại chú ý đến sự hiện hữu của nét văn hóa hiếm hoi ấy. Những người thợ điêu luyện trong nghề được cộng đồng trân trọng gọi là nghệ nhân, vượt lên cả nhu cầu mưu sinh vì cuộc sống vẫn miệt mài vì mong muốn giữ lại nét truyền thống vốn có của quê hương mình.

Tiết trời se lạnh, thấp thoáng trên đường vài chiếc xe chở những bức tranh lộng kính sặc sỡ là biết đến mùa Tết đang đến gần. Tranh kiếng vẫn là sản phẩm được nhiều người chọn để đặt lên bàn thờ hoặc trang trí phòng khách dịp cuối năm. Ý nghĩa trong những bức tranh là lời răn dạy đạo đức trong sáng, nhân nghĩa của thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Nghề vẽ tranh kiếng cũng rất độc đáo, hiện nay chỉ còn vài cơ sở ở huyện Chợ Mới còn hoạt động. Thuở xưa, thợ vẽ thể hiện tài hoa trực tiếp bằng nét bút lên kiếng theo thủ thuật “vẽ ngược”, định hình nét đen trước, tô màu sau. Nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều, người ta nghĩ ra cách kéo tranh trên lụa, trăm bức như một, nhanh chóng, sắc sảo. Cái hiện đại góp phần nâng cấp sản phẩm truyền thống, đáp ứng nhu cầu sản xuất số lượng lớn, giảm chi phí.

Nghệ nhân làm cà ràng truyền thống

Ông Thanh Hòa, chủ cơ sở tranh kiếng quy mô ở xã Long Điền B cho biết, nghề này đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua hơn chục công đoạn. Trong đó, rất cần sự khéo léo của đôi tay và óc sáng tạo của người thợ. Theo chủ đề, thợ vẽ sáng tác thành tranh thờ phụng, tranh trang trí, tranh minh họa, tranh sinh hoạt, loại nào cũng phong phú. Tính riêng thể loại tranh trang trí, đề tài mở rộng không giới hạn, gửi gắm những mong ước tốt đẹp về cuộc sống. Những hình ảnh xưa cũ về chuyện dâu thảo, rể hiền mang ý nghĩa giáo dục và tốt đẹp; hay phong cảnh đất nước, quê hương gần gũi, thanh bình chính là “hồn tranh”.

Treo tranh kiếng trong nhà đã được bà con xem là nét đẹp văn hóa không thua kém những loại tranh tường khác. Đây cũng là sắc thái riêng của người miền Nam. Nhờ đó, tranh kiếng được trao truyền qua nhiều bàn tay và thẩm mỹ của những người thợ tận tụy giữ vẹn hồn nghề. Hơn 40 năm nay, Cơ sở Thanh Hòa nỗ lực duy trì, vượt qua những thăng trầm để tồn tại giữa dòng chảy của nhịp sống hiện đại. Dù hiện nay đã có máy móc tham gia, cơ sở của ông vẫn sản xuất những bức tranh kiếng thủ công theo yêu cầu của khách hàng. Với những người thợ ở làng tranh như ông Hòa, vẽ tranh kiếng bây giờ không còn đặt nặng chuyện kinh tế, mà hơn hết là được sống với tình yêu nghề, quý trọng nét văn hóa lâu đời trong nếp sống của người Nam Bộ.

Cũng như tranh kiếng, nghề làm cà ràng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở huyện Tri Tôn hiện nay còn rất ít người gìn giữ. Đếm trên đầu ngón tay, chỉ có 2 nghệ nhân lớn tuổi là bà Neang Sa Na và bà Neang Soc Nat, số ít phụ nữ cùng xóm có tay nghề, nhưng tạm ngưng để chăm con nhỏ, lo nội trợ... Nghề làm cà ràng ngày càng gặp khó khăn về đầu ra, do nguồn tiêu thụ giảm mạnh, rất nhiều người trong ấp Phnôm-Pi rời quê lên các thành phố lớn tìm việc. Còn lớp trẻ đặt ưu tiên nhu cầu kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, dẫu có tiếc nuối cũng khó theo nghề. Bà Neang Soc Nat làm không ngơi nghỉ, kể cả dịp Tết, bà chỉ “giải lao” vài ngày rồi quay lại với việc nắn cà ràng. Mọi công đoạn đều làm thủ công, năng suất của bà cao lắm được 6 - 7 cái cà ràng loại lớn. Đất làm cà ràng được khai thác trên núi, có độ dẻo, mịn, không pha trộn gì thêm. Mùa này, sức tiêu thụ của thị trường có nhỉnh hơn thường nhật nên bà Soc Nat làm liên tục để giao cho đơn hàng đến nhiều huyện trong tỉnh.

Sản xuất tranh kiếng

Mặc cho nhiều người lần lượt rời quê lên thành phố hoặc tìm nghề khác mưu sinh, bà Neang Sa Ra vẫn chọn ở lại sống với nghề của bà, của mẹ truyền dạy. Bà nói không đi xa được vì nhớ quê lắm, càng nhớ công việc này, vốn gắn bó với bà gần cả đời người. Ngày xưa trong xóm có rất nhiều hộ làm cà ràng, giờ chỉ còn ít người bám trụ, chuyện kinh tế dường như trở thành thứ yếu, mà động lực lớn hơn là giữ lại nét lao động đậm sắc văn hóa trong cộng đồng của mình. Hễ có ai đến hỏi thăm về nghề này, các bà đều vui mừng chia sẻ. Hàng xóm cũng rất nhiệt tình góp lời thuyết minh cho sản phẩm, cho câu chuyện về nghề. Cà ràng thông dụng có 2 loại: Sử dụng bếp củi và bếp than, kích cỡ có thể thay đổi theo yêu cầu của người đặt hàng.

Vài năm gần đây, bên cạnh mẫu cà ràng thông thường, bà Sa Na và bà Soc Nat được đặt hàng làm thêm mẫu cà ràng cỡ nhỏ để làm quà lưu niệm cho khách du lịch. Chiếc cà ràng “thu nhỏ” nằm gọn trong lòng bàn tay nhưng so với mẫu thông thường làm rất kỳ công nên giá thành cao xấp xỉ bằng chiếc cà ràng lớn. Hàng ngày, 2 người thợ già vẫn cần mẫn với công việc. Khi đón khách du lịch đến tham quan, những thao tác quen thuộc được nâng tầm thành buổi biểu diễn quảng bá nét văn hóa sinh hoạt đầy thú vị. Loại cà ràng thông dụng cũng được đặt nhiều hơn ở các điểm du lịch trong huyện Tri Tôn. Tín hiệu đó đem lại niềm vui cho những người nặng lòng với nghề. Theo hướng tiêu thụ này, tuy không rầm rộ như thuở xưa, song sẽ mở ra hy vọng, tạo thêm động lực cho những người giữ nghề và nối nghề cùng nhau giữ lại truyền thống.

MỸ HẠNH