Đây là lễ hội có truyền thống lâu đời, thể hiện nét văn hóa đậm bản sắc riêng, ăn sâu trong tiềm thức người dân làng Sình nói riêng và Cố đô Huế nói chung.
Người dân thích thú, phấn khởi khi hội vật làng Sình được tổ chức trở lại sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Không khí tưng bừng của lễ hội đã rộn ràng ngay từ sáng sớm với tiếng trống hội, băng rôn và cờ hoa rực rỡ. Dòng người nô nức từ khắp nơi về làng Sình. Hàng trăm khán giả vây kín sới đấu, cùng xem các đô vật tranh tài.
Hội vật làng Sình diễn ra trong một ngày gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức tôn nghiêm tại đình làng Lại Ân, xã Phú Mậu. Tại đây, các cụ cao niên trong làng sẽ làm nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của trưởng tộc.
Sau nghi lễ, tiếng trống vang lên chính thức bắt đầu phần hội bằng những trận đấu đẹp mắt của các đô vật. Các đô vật chủ yếu là chàng trai độ tuổi thiếu niên và thanh niên. Nét đặc trưng của hội vật làng Sình là bất kỳ khán giả nào, người dân địa phương hay du khách đều có thể đăng ký tham gia và lên sới đấu.
Nhờ sức trẻ, các đô vật cống hiến cho người xem nhiều cuộc đấu hấp dẫn với thế đánh đẹp mắt. Bên ngoài khán đài, tiếng trống cùng sự hò reo của khán giả càng thôi thúc các đô vật thi đấu hăng say và quyết liệt hơn.
Hội vật làng Sình áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, đó là phải đánh ngã đối thủ ở tư thế "lấm lưng trắng bụng" đồng thời giữ hoặc đè đối thủ trong 3 giây sẽ được công nhận chiến thắng. Các đấu vật thi đấu loại trực tiếp, đô thủ muốn vào vòng bán kết, chung kết phải giành chiến thắng liên tiếp trước ít nhất 2 đối thủ.
Vì chú trọng tinh thần thượng võ nên tại Hội vật, những đòn nguy hiểm như bẻ, vặn khóa trái khớp, tấn công vào yết hầu, mắt... đều bị cấm. Ngoài giải cho chức vô địch, làng còn trao thưởng cho tất cả đô vật tham gia tranh tài.
Không đề cao việc thắng thua, cứ đến ngày làng Sình mở hội vật, người dân khắp nơi tới tham gia rất đông. Đây chính là hình thức lưu giữ nét văn hóa truyền thống hiệu quả, bởi chính người dân là chủ thể tham gia bảo tồn lễ hội này.
Ông Nguyễn Văn Huế, một cao niên của làng Sình cho hay, Hội vật truyền thống này có ý nghĩa cầu cho mùa màng thắng lợi, dân chúng bình an, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt. Do đó, năm nào Hội vật đông, năm đó, dân chúng làm ăn phát tài.
Theo ông Nguyễn Văn Trai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Mậu, người dân địa phương rất mong chờ đến ngày 10 tháng Giêng để được tham gia Hội vật. Ước tính, khoảng 10-20 ngàn người về làng Sình tham gia mỗi năm. Do đó, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Hội vật làng Sình được tổ chức trở lại dịp đầu Xuân Quý Mão khiến bà con rất phấn khởi.
Bên cạnh sới vật chính, người dân và du khách tham gia Hội vật làng Sình còn có dịp thưởng thức món ăn thơm ngon của địa phương như bún bò, bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh canh... hay tham quan, trải nghiệm sản phẩm truyền thống như hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian làng Sình, đồ chơi thủ công, tranh thờ.
"Chỉ mất khoảng 20 phút chạy xe từ trung tâm thành phố Huế, mình có thể cùng bạn bè đến làng Sình trải nghiệm không khí lễ hội đầu Xuân. Điều mình ấn tượng tại Hội vật là tinh thần giao hữu, thượng võ của đô vật và những lời bình trận đấu tươi vui, dí dỏm của các vị cao niên", bạn Phúc Văn Đạt, người dân tỉnh Quảng Trị chia sẻ.
Khi hai vai đối thủ bị ép sát mặt cát thì đô vật được công nhận chiến thắng.
Hội vật truyền thống làng Sình từ lâu đã trở thành ngày hội lớn, nét văn hóa đậm bản sắc riêng, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân làng Sình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hội vật làng Sình ngày nay có một vài thay đổi để phù hợp tình hình mới nhưng không gian văn hóa xưa vẫn còn lưu giữ dấu ấn rõ nét về vùng đất thượng võ nơi đây.
Theo TTXVN