Giới chức ba bang bờ Đông nước Mỹ gồm New York, New Jersey và Connecticut ngày 13-4 đã ra lệnh hủy hàng nghìn ca đặt hẹn tiêm chủng do phải ngừng tiêm vaccine của Johnson & Johnson (J&J) trong lúc nước này điều tra tình trạng một số ca hiếm gặp bị đông máu sau khi tiêm chủng. Hiện cả ba bang đã yêu cầu người dân đặt lại hẹn trong lúc chính quyền bố trí thay vaccine của J&J bằng vaccine của Moderna và Pfizer.
Thị trưởng TP New York, ông Bill de Blasio, đã quyết định dừng chương trình tiêm vaccine J&J một mũi cho những người bị bệnh phải ở nhà tại thành phố này. Tính đến thời điểm này, khoảng 5,2 triệu người tại TP New York đã được tiêm vaccine J&J, trong đó có cả Thị trưởng Blasio.
Việc phải tạm ngưng sử dụng vaccine J&J cũng ảnh hưởng tới kế hoạch tiêm chủng cho sinh viên tại các trường đại học của bang New York. Trước đó, Thống đốc New York Andrew Cuomo vừa tuyên bố sẽ cấp khoảng 21 nghìn liều vaccine J&J cho các trường đại học công lập của bang và khoảng 14 nghìn liều cho các trường đại học tư thục tại đây. Tính đến thời điểm này, khoảng hơn 12 triệu người tại bang New York đã được chủng một trong ba loại vaccine ngừa Covid-19, tương đương khoảng 1/4 dân số của bang.
Y tá chuẩn bị tiêm vaccine của Johnson & Johnson. (Ảnh: AP)
Tại bang Connecticut, hơn 100 nghìn dân đã được tiêm chủng vaccine J&J mà không có tsự cố nào xảy ra. Thống đốc bang Ned Lamont cho biết, mặc dù việc ngừng tiêm vaccine J&J ảnh hưởng tới khoảng 21 nghìn người dân dự kiến được tiêm chủng trong tuần này nhưng nhìn chung việc xáo trộn kế hoạch sẽ không ảnh hưởng tới tiến độ chung của bang. Điều ông quan ngại hơn là việc phải tạm ngừng sử dụng vaccine J&J sẽ khiến nhiều người dân thêm lưỡng lự không muốn tiêm vaccine.
Tại bang New Jersey, cơ quan y tế đã yêu cầu tất cả các điểm tiêm chủng tạm ngừng tiêm vaccine J&J cho đến khi nhận được thông báo mới. Hiện bang này chưa ghi nhận ca biến chứng nào trong tổng số 235 nghìn liều vaccine J&J đã được sử dụng.
Bộ trưởng Y tế liên bang và các bang ở Đức đã nhất trí ra khuyến nghị đối với những người tiêm mũi thứ hai sau khi đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine của AstraZeneca. Theo đó, những người dưới 60 tuổi đã được tiêm một mũi chế phẩm này có thể tiêm mũi thứ hai với một loại vaccine khác.
Ông Klaus Holetschek, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Y tế Đức, hiện giữ chức Bộ trưởng Y tế bang Bayern, cho biết giải pháp được đưa ra lúc này là nhằm bảo vệ tốt cho mọi người dân theo khuyến nghị trước đó của Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO). Cụ thể, các trường hợp đã tiêm mũi đầu tiên với vaccine của AstraZeneca (công nghệ vector) nên tiêm mũi thứ hai với vaccine sử dụng công nghệ mRNA, có thể là vaccine BioNTech/Pfizer hoặc Moderna. Theo ông Holetschek, đây là giải pháp cơ bản tốt để bảo vệ mọi người một cách có hiệu quả. Tính đến tối 13-4, Đức đã tiêm chủng 18,68 triệu liều, trong đó có 5,11 triệu người được tiêm đủ hai mũi, chiếm 6,2% dân số.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Israel đang dần được kiểm soát nhờ các nỗ lực tiêm vaccine và những quy định hạn chế trong thời gian qua, Chính phủ Israel đã quyết định mở cửa cho du khách nước ngoài kể từ ngày 23-5 tới.
Trong một thông báo chung ngày 13-4, Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein và Bộ trưởng Du lịch Orit Farkash-Hacohen cho biết, du khách nước ngoài được phép nhập cảnh vào Israel nhưng phải nằm trong các chương trình được tổ chức chặt chẽ để bảo đảm khả năng kiểm soát nguy cơ lây nhiễm.
Du khách cần phải xét nghiệm PCR trước khi lên máy bay tới Israel. Khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Ben Gurion, du khách sẽ phải thực hiện hai xét nghiệm, gồm PCR và huyết thanh, nhằm xác nhận có kháng thể với SARS-CoV-2.
Israel hiện chưa công nhận giấy chứng nhận tiêm vaccine hay bình phục sau khi mắc Covid-19 của bất kỳ quốc gia nào. Chính phủ Israel dự kiến tiếp tục đàm phán với các nước liên quan đến việc công nhận chứng nhận đã tiêm vaccine của nhau để có thể bỏ qua khâu xét nghiệm huyết thanh.
Bộ trưởng Y tế Edelstein cho biết: "Chúng tôi đã mở cửa trở lại nền kinh tế và đã đến lúc tạo điều kiện cho ngành du lịch theo hướng thận trọng và có cân nhắc. Việc mở cửa du lịch là một bước tiến quan trọng đối với một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian có đại dịch".
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 14-4 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 138.005.432 ca mắc, 2.971.212 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 32.070.784 ca mắc, 577.179 ca tử vong
2. Ấn Độ: 13.871.321 ca mắc, 172.115 ca tử vong
3. Brazil: 13.601.566 ca mắc, 358.718 ca tử vong
4. Pháp: 5.106.329 ca mắc, 99.480 ca tử vong
5. Nga: 4.657.883 ca mắc, 103.601 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.577.526 ca mắc, 42.782 ca tử vong
2. Philippines: 884.783 ca mắc, 15.286 ca tử vong
3. Malaysia: 363.940 ca mắc, 1.345 ca tử vong
4. Myanmar: 142.596 ca mắc, 3.206 ca tử vong
5. Singapore: 60.692 ca mắc, 30 ca tử vong
6. Thái Lan: 34.575 ca mắc, 97 ca tử vong
7. Campuchia: 4.696 ca mắc, 33 ca tử vong
8. Việt Nam: 2.717 ca mắc, 35 ca tử vong
9. Brunei: 219 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 52 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 41.948.881 ca mắc, 958.203 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 36.990.566 ca mắc, 839.743 ca tử vong
3. Châu Á: 31.863.932 ca mắc, 453.311 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 22.732.859 ca mắc, 602.106 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.408.305 ca mắc, 116.681 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 60.168 ca mắc, 1.153 ca tử vong
Theo Báo Nhân Dân