Cảnh khô hạn do nắng nóng kéo dài tại Gramsh, Albania. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hơn 200 nhà khoa học quốc tế đã lên tiếng kêu gọi thế giới cần hành động ngay lập tức để ngăn sự nóng lên toàn cầu, cảnh báo biến đổi khí hậu có thể để lại một số hậu quả "không thể đảo ngược" trong nhiều thế hệ.
Trong thư ngỏ gửi tới Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra ở Glasgow (Vương quốc Anh), các nhà khoa học quốc tế viết: "Chúng tôi, những nhà khoa học về khí hậu, nhấn mạnh rằng cần phải có những hành động cấp bách, quyết liệt, nhanh chóng, bền vững và quy mô lớn" để khống chế đà tăng nhiệt toàn cầu trong mức mục tiêu mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Bức thư, có chữ ký của một số tác giả báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc, kêu gọi các đại biểu tham dự COP26 "hoàn toàn thừa nhận" bằng chứng khoa học mà họ đã tổng hợp về các mối đe dọa nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra.
Các nhà khoa học nhấn mạnh COP26 là "thời khắc lịch sử đối với số phận của khí hậu, xã hội và hệ sinh thái," bởi các hoạt động của con người đã khiến nhiệt độ Trái Đất tăng lên khoảng 1,1 độ C và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong tương lai sẽ quyết định mức tăng nhiệt trong tương lai.
Trước đó, hồi tháng Tám, IPCC đã công bố báo cáo đánh giá toàn diện nhất từ trước tới nay về biến đổi khí hậu, trong đó đưa ra những lời cảnh tỉnh ở mức cao nhất cho loài người.
Báo cáo dự báo nhiệt độ trung bình của Trái Đất sẽ tăng 1,5 độ C vào khoảng năm 2030, sớm hơn một thập niên so với dự kiến được đưa ra cách đây ba năm. Để tránh vượt quá mức tăng nhiệt này, IPCC cho rằng thế giới phải cắt giảm 45% lượng khí thải trong thập niên này.
Hội nghị COP26 diễn ra từ 31-10 đến 12-11, được coi là cơ hội để đoàn kết cả thế giới trong nỗ lực thực hiện cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Hội nghị bước đầu đã đạt được thành công nhất định khi có nhiều nước tại đã ký vào cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với một loạt thỏa thuận riêng rẽ về loại bỏ các nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường như than đá, chấm dứt các hoạt động đầu tư cho ngành nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm khí thải metan.../.
Theo PHƯƠNG OANH (Vietnam+)