Hồn tranh trên lá thốt nốt

10/12/2023 - 09:05

 - Nhiều người biết về cây thốt nốt – biểu tượng đặc trưng cho vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang). Bằng chất liệu từ những chiếc lá non của cây thốt nốt, Nghệ nhân ưu tú Võ Văn Tạng (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn), nguyên Giám đốc Agribank Thoại Sơn đã “phù phép”, tạo ra dòng tranh lá thốt nốt “có một không hai”…

Hơn 20 năm trước, ông Tạng nảy ra ý tưởng vẽ tranh trên lá thốt nốt trong một lần thẩm định cho vay vốn dự án làm quạt bằng lá thốt nốt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Nguyên liệu làm tranh là những tàu lá thốt nốt non, qua phơi nắng và nhiều bước xử lý sẽ ngả màu trắng. Lá thốt nốt bền, không bị mối mọt, tạo tuổi thọ cho tranh rất lâu.

Chỉ với những gam màu tạo ra từ “bút lửa” (bút điện chấm hàn vi mạch điện tử) đã khắc họa nên những chi tiết sống động của bức tranh.

Ông Tạng truyền nghề cho nhiều trẻ em ở địa phương. Riêng tại cơ sở của gia đình có hơn chục lao động. Dưới đôi tay nhuần nhuyễn, đôi mắt thẩm mỹ, những đường nét nhấn nhá đậm nhạt của “bút lửa” đã sáng tác nên hàng ngàn bức tranh tranh lá thốt nốt sống động với đa dạng chủ đề.

Trong đó, nhiều nhất là tranh chân dung các vị lãnh tụ, cảnh đẹp làng quê, phong cảnh, tranh chữ thư pháp… Từ nguyên liệu đến chủ đề thể hiện, dòng tranh thốt nốt thể hiện văn hóa đặc trưng của vùng đất An Giang, nên được khách hàng ưa chuộng, nhất là chọn làm quà tặng trong các dịp giao lưu, học tập kinh nghiệm, sự kiện ý nghĩa…

Năm 2010, ông Võ Văn Tạng được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Nghệ nhân làm tranh bằng lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam”. Năm 2016, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nởi những cống hiến trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống.

Phòng tranh khiêm tốn nằm ngay trung tâm chợ thị trấn Núi Sập còn là điểm đến của nhiều du khách quan tâm về văn hóa, nghệ thuật của huyện Thoại Sơn nói riêng, tỉnh An Giang nói chung, nhất là những ai muốn “mục sở thị” dòng tranh độc đáo này.

MỸ HẠNH