Hưng "kính" đã cưỡng đoạt tiền của tiểu thương chợ Long Biên như thế nào?

03/06/2019 - 09:52

Sau quá trình tiến hành điều tra, mới đây, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố nhóm đối tượng "bảo kê" tại chợ đầu mối Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) với tội danh "Cưỡng đoạt tài sản".

Đây là cái kết "có hậu" đối với nhiều tiểu thương tại khu chợ này, bởi trước đó, có những người từng phải sống trong sợ hãi khi bị các đối tượng dọa dẫm, quấy phá việc kinh doanh khi không đồng ý đóng những khoản tiền bất chính.

Những trò "bẩn" của nhóm bảo kê

Sau khi bị tiểu thương tố giác và báo chí phanh phui, băng nhóm "bảo kê" tại chợ đầu mối Long Biên, núp dưới danh nghĩa tổ bốc xếp do Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính", SN 1963, trú tại phố Hàng Đậu, phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cầm đầu đã bị Công an Thành phố Hà Nội bắt giữ.

Qua quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định được từ năm 2008, hộ kinh doanh của chị Nghiêm Thúy N. (SN 1981) kí 4 hợp đồng với Ban quản lý chợ Long Biên để thuê 6 ki ốt bán hàng.

Hưng "kính" tại cơ quan điều tra.

Trong quá trình kinh doanh, chị N. thường xuyên bị nhóm Hưng "kính" đe dọa, chèn ép trong công việc kinh doanh để bắt nộp nhiều loại tiền khác nhau. Cơ quan điều tra cũng xác định, tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 do Hưng "kính" làm tổ trưởng có trách nhiệm bốc dỡ hàng cho các tiểu thương trên cơ sở quy định của Ban quản lý chợ Long Biên về quy trình thu, nộp tiền dịch vụ bốc dỡ. Trong thời gian hoạt động, Hưng "kính" đã tự ý thông báo với tiểu thương là mình đã được toàn quyền giải quyết các vấn đề trên bãi hải sản, trong đó có quyền đỗ xe.

Hưng "kính" thông báo rằng, nếu muốn có 1 "lốt" đỗ xe, mỗi năm tiểu thương phải nộp lại cho Hưng 100 triệu đồng. Do không muốn bị cản trở việc kinh doanh, nhà chị N. đã đồng ý với số mức này và giao tiền tại nhà riêng của Hưng "kính" trên phố Hàng Đậu. Đến giữa năm 2016, chị N. mua thêm một "lốt" đỗ của đối tượng này với giá 110 triệu đồng/năm.

Tính đến năm 2017, chị Nga đã nộp nhiều lần tiền cho Hưng "kính" với tổng số tiền là 1,06 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền chị N. đã nộp không được Hưng ghi giấy biên nhận. Nhưng sau khi nhận tiền, đến tháng 8-2017, Hưng "kính" chỉ đồng ý cho hộ kinh doanh của chị N. sử dụng một "lốt" đỗ xe và cho các đàn em ra quấy phá khi chị này phản ứng. Cụ thể, Hưng đã cho các đối tượng là Hải "gió", Long "cao" và Vương "lợn" sử dụng xe khác đỗ vào "lốt" chị N. đã mua, hay mang các bao hàng cá thối ném trước cửa ki ốt, hay đuổi nhân viên bốc dỡ để bắt phải thuê nhân viên của tổ bốc dỡ số 2, ép chị N. phải trả tiền dù có thuê hay không.

Sau khi tìm mọi cách để dàn xếp vụ việc, Hưng "kính" vẫn tuyên bố sẽ "tiêu diệt" chị N. một quý của năm 2018 để dằn mặt rồi mới đồng ý nói chuyện. Mặc dù Ban quản lý chợ Long Biên ra thông báo đồng ý cho gia đình chị này một chỗ đỗ xe, nhưng Hưng "kính" tiếp tục sai các đàn em thường xuyên gây sự, đuổi xe, quấy rối công việc kinh doanh của chị này. Các đối tượng bắt ép chị N. phải nộp tiền bốc dỡ dù không hạ hàng.

Ban đầu, ba đối tượng Hải, Long, Vương thu tiền theo giá chị N. đã thỏa thuận với Ban quản lý chợ. Nhưng sau đó, mỗi khi nhà chị này có xe hàng đi ra, dù không bốc dỡ nhưng các đối tượng vẫn thu tăng số tiền lên mức 200 ngàn với xe 1,4 tấn và 350 ngàn với xe 3,5 tấn.

Những chứng cứ cưỡng đoạt

Ngày 5-12-2018, CQĐT đã thực hiện lệnh bắt tạm giam các đối tượng Lê Thanh Hải (tức Hải "gió"), Nguyễn Mạnh Long (tức Long ''cao''), Dương Quốc Vương (tức Vương "lợn). Đến ngày 5-1-2019, tiếp tục thực hiện lệnh bắt tạm giam với Nguyễn Kim Hưng và Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến "hói") để điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Cảnh Hải "gió", Long "cao", Vương "lợn" (từ trái qua phải) đi thu tiền.

Qua khám xét, cơ quan điều tra đã thu giữ được của đối tượng Tiến "hói" 71 bảng kê số xe, số tiền do Hải, Long đã thu của các hộ kinh doanh từ ngày 1-9-2018 đến ngày 24-9-2019. Trong đó có 35 tờ bảng kê của Hải và 36 bảng kê của Long nộp cho Tiến. Qua giám định kỹ thuật hình sự đã xác định chữ kí trên những bảng kê do tiểu thương giao nộp là của các đối tượng nói trên.

Quá trình điều tra lấy lời khai cũng xác định được, Vương "lợn" là đối tượng không được Ban quản lý chợ kí hợp đồng hỗ trợ thu tiền bốc dỡ nhưng Hưng "kính" lại tự ý giao nhiệm vụ cho Vương.

Hưng cũng chỉ đạo Tiến "hói" không giao cho Hải, Long, Vương bảng kê do Ban quản lý chợ phát hành, có dấu treo của Ban quản lý, mà soạn bảng kê khác theo ý của Hưng. Sau đó, Hưng giao Tiến đi để đưa cho các đàn em lập bảng kê theo dõi ôtô chở hàng vào khu vực đường 1 và bãi thủy sản.

Khoảng 8h sáng hằng ngày, các đối tượng lại tập trung hội ý tại khu vực trạm bơm phòng cháy chữa cháy về số tiền đã thu được. Để quản lý, Hưng cho lắp tại khu vực này hai camera theo dõi và cho các đàn em tự quản lý lẫn nhau và trực tiếp kiểm soát việc Hải, Long, Vương nộp tiền và bảng kê cho Tiến vào buổi sáng. Tại các buổi hội ý này, Hưng yêu cầu các đàn em không bốc dỡ nhưng vẫn thu tiền, cũng không để nhân viên của các hộ kinh doanh tự bốc dỡ.

Do sợ bị phát hiện, Hưng "kính" đã chỉ đạo Tiến khi Ban quản lý chợ trả đủ lương cho nhân viên thì xé các trang trong sổ ghi số tiền thu hằng ngày và các bảng kê do Hải, Long, Vương nộp về.

Tiến cũng biết số tiền mà các đối tượng trong nhóm nộp về là tiền cưỡng đoạt từ hộ kinh doanh nhưng vẫn sao chép vào bảng kê rồi đem một phần tiền cùng bảng kê lên nộp cho BQL chợ lập phiếu thu, viết hóa đơn số tiền theo bảng kê mà Tiến nộp.

Cơ quan điều tra cũng xác định, trong khoảng thời gian từ 14-3-2018 đến 1-9-2019, theo chỉ đạo của Hưng "kính", các đối tượng đã thu số tiền gần 36 triệu nhưng chỉ có khoảng 7,5 triệu tiền bốc dỡ và số tiền còn lại là do các đối tượng gây sức ép để thu.

Số tiền các đối tượng nộp về cho ban quản lý chợ là hơn 10 triệu đồng, còn lại gần 25 triệu đồng bị chiếm hưởng, chia nhau. Trong quá trình lấy lời khai, ba đối tượng Hải, Long, Vương cũng khai nhận, ngoài hộ kinh doanh của chị N., các đối tượng này còn thu tiền của nhiều hộ kinh doanh khác trong chợ Long Biên để chia nhau.

Từ tài liệu của cơ quan điều tra cho thấy, dưới sự chỉ đạo của Hưng "kính", các đối tượng không bốc dỡ nhưng vẫn thu tiền của 11 hộ kinh doanh cá đông lạnh tại bãi thủy sản chợ Long Biên.

Các đối tượng đổ cá thối để cản trở kinh doanh của tiểu thương.

Tuy nhiên, do các hộ kinh doanh này không cung cấp được tài liệu, chứng cứ về việc bị chiếm đoạt nên chưa đủ căn cứ xác định các đối tượng này cưỡng đoạt của hộ kinh doanh như nào, cũng như số tiền và thời gian cưỡng đoạt.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng trừ Nguyễn Kim Hưng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với các lời khai, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được. Mặc dù Hưng "kính" không nhận tội, nhưng từ các chứng cứ, cơ quan điều tra đã có đủ cơ sở kết luận đối tượng này đã đồng phạm với các đối tượng còn lại về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Ngày 28-5, Phó Viện trưởng VKSND Thành phố Hà Nội đã kí cáo trạng truy tố các đối tượng trước TAND Thành phố Hà Nội để xét xử về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, cáo trạng này cũng được dư luận đặt dấu hỏi bởi trước đó, Công an Thành phố Hà Nội đã đề nghị truy tố nhóm đối tượng này theo khoản 2 của Điều 170 Bộ luật Hình sự trong kết luận điều tra.

Tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự:

 1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Theo ĐINH HIỀN (Công An Nhân Dân)