Hướng đến kỷ niệm 195 năm Ngày mất Danh thần Thoại Ngọc Hầu

01/07/2024 - 05:54

 - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước vừa chủ trì cuộc họp về công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm 195 năm Ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829 - 2024). Lễ kỷ niệm và lễ hội đường phố diễn ra từ 15 giờ 30 phút đến 20 giờ, ngày 10/7.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết, các hoạt động kỷ niệm 195 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829 - 2024) diễn ra từ ngày 5 đến 11/7 theo nghi thức truyền thống hàng năm, gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống hàng năm, lực lượng tham gia, gồm: Ban tổ chức lễ hội địa phương, Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam, Hội quý tế, bộ lão, Nhân dân và du khách.

Trong phần lễ, gồm: Lễ cúng tiên thường (lúc 16 giờ, thứ tư, ngày 10/7 (nhằm ngày 5/6 âm lịch) tại Lăng Thoại Ngọc Hầu); lễ cúng chánh tế (lúc 4 giờ, thứ năm, ngày 11/7 (nhằm ngày 6/6 âm lịch) tại lăng Thoại Ngọc Hầu); lễ kỷ niệm 195 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829 - 2024) và lễ hội đường phố Thoại Ngọc Hầu kinh lý Tân Lộ Kiều Lương (thời gian dự kiến bắt đầu từ 15 giờ 30 phút đến 20 giờ, thứ tư, ngày 10/7, nhằm ngày 5/6 âm lịch), địa điểm tại đình Châu Phú di chuyển đến tuyến đường Tân Lộ Kiều Lương và đến lăng Thoại Ngọc Hầu.

UBND tỉnh họp bàn về công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm 195 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu

Lễ kỷ niệm 195 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829 - 2024) và lễ hội đường phố có 3 phần, gồm: Phần I, nghi thức khai mạc lễ hội đường phố, khai lệnh kinh lý Tân Lộ Kiều Lương; phần II, lễ hội đường phố kinh lý Tân Lộ Kiều Lương; phần III, nghi thức lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật “Tân Lộ Kiều Lương - con đường kiến quốc”.

Phần hội gồm 4 nội dung: Tổ chức đêm hội Nét Việt 2 (dự kiến từ ngày 5 - 6/7, nhằm ngày 30/5 - 1/6 âm lịch); chương trình văn nghệ kỷ niệm 195 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (dự kiến từ 19 - 21 giờ, thứ sáu, ngày 5/7, nhằm ngày 30/5 âm lịch); tổ chức các trò chơi dân gian (dự kiến từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, thứ bảy, ngày 6/7, nhằm ngày 1/6 âm lịch); biểu diễn đờn ca tài tử Nam Bộ và trích đoạn cải lương (dự kiến từ 19 - 21 giờ, thứ bảy, ngày 6/7, nhằm ngày 1/6 âm lịch).

Thông qua lễ kỷ niệm nhằm giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa - lịch sử dân tộc, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân đối với địa phương; giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công đức người xưa để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Đồng thời, thể hiện sự tôn vinh, tri ân các bậc tiền nhân có công với vùng đất Châu Đốc; khơi dậy lòng tự hào dân tộc; phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, vật chất và tinh thần của Nhân dân. Các hoạt động kỷ niệm nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh kinh tế - xã hội, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa của địa phương, phục vụ người dân, du khách TP. Châu Đốc nói riêng, tỉnh An Giang nói chung.

Nỗ lực chuẩn bị

“Để chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm, UBND TP. Châu Đốc đã triển khai công tác tuyên truyền cổ động trực quan, truyền thông trên hệ thống truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử thành phố, trang thông tin phường, xã và trên các nền tảng mạng xã hội, báo chí. Hoàn thành chương trình, kịch bản lễ kỷ niệm và lễ hội đường phố, chương trình văn nghệ…

Tăng cường công tác kiểm tra, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, văn minh thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, chuẩn bị công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là trong thời gian cao điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Chuẩn bị công tác hậu cần, trang trí, khánh tiết…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn thông tin.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cơ bản thống nhất kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 195 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829 - 2024) và lễ hội đường phố. Đề nghị UBND TP. Châu Đốc tổ chức các hoạt động lễ hội theo nội dung kế hoạch; điều hành tổ chức lễ đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và đúng các quy định về tổ chức lễ hội; chủ động báo cáo và mời Thường trực Tỉnh ủy tham dự hoạt động khai mạc lễ hội.

Đồng thời, tham mưu ban tổ chức triển khai các hoạt động theo kế hoạch; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành liên quan đảm bảo tổ chức thành công buổi lễ.

 “Công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm bảo đảm tính trang trọng, đúng quy định của Đảng và Nhà nước; có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Việc huy động các nguồn lực xã hội hóa phải đúng quy định pháp luật. Các hoạt động phục vụ cần chuẩn bị chu đáo, thiết thực về mặt nội dung, hình thức, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, phù hợp lịch sử - văn hóa địa phương” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.

Danh thần Thoại Ngọc Hầu (tên thật Nguyễn Văn Thoại), là người làng Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là huyện Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Từ nhỏ, ông theo gia đình di cư vào nam, định cư tại cù lao Dài, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Từ năm 16 tuổi, ông bắt đầu cuộc sống binh nghiệp và lập rất nhiều chiến công, được công nhận là vị “Khai quốc công thần”, là người có công khai phá vùng đất Nam Bộ, khai khẩn đất hoang hóa, cải tạo đồng hoang thành làng mạc, lập nên 10 làng, ấp và xây nhiều đình, chùa ở tỉnh An Giang và Vĩnh Long.

Nổi bật nhất là ông cho tiến hành đào 2 con kênh Vĩnh Tế và Thoại Hà dài trên 100km từ An Giang ra biển Tây. Đến nay, 2 con kênh này vẫn đóng vai trò quan trọng trong tuyến thủy lộ nội địa vận chuyển hàng hóa, giao thương mua bán, chấm dứt tình trạng đi đường vòng bằng đường biển, đặc biệt là bảo đảm quốc phòng an ninh.

Ông Thoại Ngọc Hầu mất ngày mùng 6/6/1829 (âm lịch) và được an táng tại phường Núi Sam (TP. Châu Đốc). Tưởng nhớ công ơn của ông, Nhân dân An Giang lập đền thờ ông tại lăng Thoại Ngọc Hầu và lập đình thần Thoại Ngọc Hầu (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn). Vào ngày 6/6 (âm lịch) hàng năm, chính quyền và người dân địa phương tổ chức ngày giỗ của danh thần Thoại Ngọc Hầu với đầy đủ các nghi lễ truyền thống, tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với sự hình thành và phát triển vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc.


THU THẢO