Nâng cao hiệu quả xét xử của tòa án
Câu chuyện của ông Lâm Hồng Sơn
36 năm trước, ông Lâm Hồng Sơn (sinh năm 1956) hợp tác với Ban Chỉ huy Cảnh sát nhân dân - Công an tỉnh An Giang, ký hợp đồng kinh tế hợp tác sản xuất thức ăn gia súc. Quá trình hoạt động, Công an tỉnh thành lập Công ty liên doanh Ancresdo do ông Sơn làm giám đốc.
Để có thêm vốn, ông Sơn đề xuất vay 200 triệu đồng từ Công ty Kinh doanh tổng hợp huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An), được ông Nguyễn Văn Thông (Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang) đồng ý. Sau đó, ông Sơn qua Thái Lan bán sắt, mua hàng hóa. Trong thời gian này, ông Bùi Văn Nên được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công ty Ancresdo.
Khi tàu chở hàng về, ông Nên tự ý bán tất cả hàng hóa mua từ Thái Lan về nhưng không trả nợ Công ty Kinh doanh tổng hợp Thủ Thừa. Lúc bị đòi nợ, ông Nên và ông Thông xác nhận ông Sơn mạo nhận danh nghĩa công ty để vay tiền sử dụng riêng cá nhân.
Ngày 16/1/1990, ông Sơn bị Cơ quan điều tra Cảnh sát Nhân dân tỉnh Long An (nay là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An) khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN”. Sau 4 tháng, đơn vị ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Sơn.
Tuy nhiên, đến ngày 14/12/1990, Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang (nay là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang) ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Một lần nữa, ông Sơn bị bắt tạm giam, cùng về tội danh cũ. Gần 1 năm sau, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh An Giang trả tự do cho ông; ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, với lý do “Bị can không chiếm đoạt, đây là quan hệ dân sự, nợ thuế chưa đến mức truy tố”.
Ngày 28/5/2024, tại UBND phường Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc), VKSND tỉnh An Giang, Long An tổ chức phục hồi danh dự bằng hình thức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai đối với ông Lâm Hồng Sơn sau 34 năm bị oan. Đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng 2 tỉnh gửi lời xin lỗi chân thành đến ông Lâm Hồng Sơn cùng gia đình, mong góp phần xoa dịu nỗi đau họ gánh chịu thời gian qua.
Thông qua vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng nghiêm túc nhận trách nhiệm, cam kết thận trọng; nâng cao trách nhiệm hơn trong công tác điều tra, truy tố vụ án hình sự thời gian tới, không để xảy ra vụ việc tương tự. Ngày 2/2/2024, VKSND tỉnh An Giang ra quyết định thành lập Tổ giải quyết bồi thường cho ông Sơn, tiến hành theo Quy trình giải quyết bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của đơn vị.
“Chân thành cảm ơn VKSND 2 tỉnh đã phối hợp công khai xin lỗi, cải chính về vụ án oan sai mà tôi là nạn nhân. Tôi nhận thức sâu sắc rằng, để có được buổi công khai xin lỗi và cải chính hôm nay, không chỉ là nỗ lực của người bị oan, mà còn là nỗ lực và thiện chí từ VKSND 2 tỉnh; không chỉ phục hồi danh dự cho tôi, mà còn là việc làm cần thiết để khắc phục những sai lầm trong quá khứ; không phải chỉ của VKSND mà còn là của công an 2 tỉnh. Hôm nay, thật sự là ngày vui lớn của tôi và gia đình sau 34 năm tôi bị bắt oan. Mong các đơn vị sớm giải quyết bồi thường oan sai cho tôi” - ông Sơn chia sẻ.
Ngành thi hành án dân sự (THADS) tỉnh cũng đã gặp phải sai sót trong quá trình thi hành nhiệm vụ. Điển hình như, Bản án 134/2020/DSPT, ngày 24/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh tuyên xử một chi cục THADS cấp huyện bồi thường cho bà N.K.P. (ngụ huyện Châu Phú) trên 380 triệu đồng. Sau khi đơn vị liên quan hoàn trả xong cho bà P., Cục THADS tỉnh thành lập hội đồng kỷ luật, xử lý bằng hình thức khiển trách đối với người thi hành công vụ có vi phạm làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tư pháp làm việc tại An Giang
Cẩn trọng hơn trong công tác chuyên môn
Bồi thường Nhà nước là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, thúc đẩy quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Theo UBND tỉnh, trên cơ sở theo dõi, tổng hợp kết quả ở các cơ quan, đơn vị, từ ngày 1/7/2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh phát sinh 7 vụ việc. Trong đó, 3 vụ việc được giải quyết theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009; 4 vụ việc được giải quyết theo Luật năm 2017. Các cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường; cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thực hiện dứt điểm 5 vụ việc; đang trong quá trình giải quyết 2 vụ việc còn lại.
Là cơ quan giúp việc cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước về công tác bồi thường Nhà nước, Sở Tư pháp chủ động tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra hoặc kiểm tra liên ngành hàng năm. Năm 2023, đã kiểm tra tại UBND huyện Phú Tân và TX. Tân Châu. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Các đơn vị được kiểm tra đã ban hành kế hoạch về công tác bồi thường của Nhà nước hoặc lồng ghép việc triển khai vào kế hoạch công tác tư pháp, công tác pháp chế; thực hiện tốt mục tiêu phòng ngừa phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Công Lập thông tin: “Với mục tiêu chung là phòng ngừa xảy ra vụ việc bồi thường Nhà nước, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện triển khai quy định của pháp luật về lĩnh vực này trong buổi sinh hoạt Ngày pháp luật, hoặc cuộc họp cơ quan, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Đồng thời, triển khai rộng rãi trong Nhân dân, thông qua chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (499 cuộc, thu hút 9.704 lượt người tham dự). Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều phương thức mới, kết hợp giữa trực tiếp và qua phương tiện thông tin truyền thông, từng bước tăng cường năng lực tiếp cận, hiểu biết pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong Nhân dân (theo Quyết định 977/QĐ-TTg, ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật“.
Trong công tác thụ lý xét xử, từ năm 2023 đến nay, Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý 2 vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ông V.T.V., bà P.T.Đ. (ngụ xã An Hòa, huyện Chợ Mới) cho rằng 1 sở chuyên môn và UBND cấp huyện có hành vi trái luật, gây thiệt hại nên yêu cầu bồi thường trên 1,3 tỷ đồng.
Ông L.M.N. (ngụ TP. Hồ Chí Minh) yêu cầu 1 cơ quan chuyên môn của tỉnh An Giang bồi thường 180 triệu đồng (sau đó giảm còn 43,1 triệu đồng), bao gồm chi phí thuê luật sư tư vấn, hướng dẫn, soạn thảo văn bản, hỗ trợ thực hiện thủ tục khiếu nại, tố cáo người thi hành công vụ của cơ quan này. Các vụ án đang trong quá trình giải quyết.
“Từ việc nghiêm túc triển khai, quán triệt Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhận thức của công chức tòa án 2 cấp trong tỉnh được tác động tích cực. Cán bộ, công chức tự rèn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm giải quyết công việc, tránh sai sót, oan sai, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thận trọng hơn khi thực thi công vụ hoặc đưa ra phán quyết giải quyết vụ án.
Toàn đơn vị không có công chức, người lao động vi phạm trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, thi hành án hình sự… gây ra thiệt hại mà tổ chức, cá nhân yêu cầu bồi thường. Đồng thời, không có đơn vị nào trực thuộc Tòa án nhân dân tỉnh là bị đơn, bị đơn dân sự hoặc người bị kiện trong vụ án có yêu cầu bồi thường Nhà nước” - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh An Giang Huỳnh Thanh Tâm cho biết.
Số vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang chủ yếu trong lĩnh vực THADS, được giải quyết thông qua hình thức khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án. Ở cấp Cục THADS tỉnh, lãnh đạo cục và phòng chuyên môn trực thuộc phải tham gia giải quyết ngay từ giai đoạn đầu khi vụ việc phát sinh. Ở cấp chi cục, chi cục trưởng phải chủ động tương tự.
Những vụ việc tòa án đang thụ lý, giải quyết, lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp tham gia phiên tòa, không được “khoán trắng” cho chấp hành viên. Việc cử người giải quyết bồi thường (theo Khoản 3, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) phải đặc biệt lựa chọn người có trình độ pháp luật, có kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn và kỹ năng giải quyết bồi thường.
Nâng cao kỹ năng cho cán bộ phụ trách
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy khẳng định: “Nhận thức công tác bồi thường Nhà nước hết sức quan trọng, UBND tỉnh đã xây dựng đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ gần 400 người. Trong đó, mỗi sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã có 1 lãnh đạo và 1 chuyên viên phụ trách; riêng Sở Tư pháp giao cho Phòng Hành chính tư pháp tham mưu thực hiện. Hàng năm, đội ngũ này được rà soát, củng cố, kiện toàn.
Năm 2024, toàn tỉnh có 394 công chức được giao thực hiện nhiệm vụ. Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì, thể hiện rất rõ vai trò được giao; được quan tâm bố trí vốn phù hợp. Chúng tôi mong muốn, phải làm sao để hạn chế xảy ra vi phạm buộc phải bồi thường Nhà nước; phải đảm bảo quyền cho người được bồi thường, người bị thiệt hại. Thời gian tới, tỉnh sẽ nhanh chóng xây dựng kế hoạch khắc phục những vướng mắc, đề ra giải pháp hữu hiệu”.
Theo Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang, thời gian qua, không có cán bộ, chiến sĩ vi phạm nguyên tắc của ngành, quy định của pháp luật khi thi hành công vụ dẫn đến phải bồi thường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để luật sư, cộng tác viên, trợ giúp viên pháp lý tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam và các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ phụ trách công tác bồi thường Nhà nước ở công an đơn vị, địa phương chủ yếu là kiêm nhiện, chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường, nên còn khó khăn trong quá trình triển khai.
Đây là tình hình chung của toàn tỉnh. Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Công Lập, công chức phụ trách công tác bồi thường của Nhà nước hiện nay chủ yếu được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thông qua các hội nghị do Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp, cơ quan ngành dọc của Trung ương tổ chức; số vụ việc phát sinh tương đối ít nên kinh nghiệm thực tiễn hạn chế.
Vì vậy, khi phát sinh vụ việc dễ bị lúng túng, gặp khó khăn, phải xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền để giải quyết từng trường hợp cụ thể. Mặt khác, các vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự hầu hết xảy ra đã lâu, việc xác minh thiệt hại gặp nhiều khó khăn (thiếu giấy tờ, tài liệu chứng minh thiệt hại), làm ảnh hưởng đến thời gian giải quyết và thương lượng giữa các bên.
Mặt khác, quy định đối với các vụ việc đã lâu, đến thời điểm hiện nay, người bị thiệt hại mới nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, nhưng chỉ được bồi thường phần thiệt hại trong khoảng thời gian bị tạm giữ, tạm giam… đến ngày được trả tự do theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Nghị định 68/2018/NĐ-CP (điển hình như vụ việc của ông Lâm Hồng Sơn). Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân bị thiệt hại; giữa các bên rất khó thương lượng thành.
Ghi nhận khó khăn, vướng mắc của tỉnh An Giang (cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trong cả nước), Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Trần Việt Hưng đề nghị: “Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục quán triệt quy trình thực hiện nghiệp vụ, chuyên môn, chuyên ngành một cách chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực đất đai, ban hành quyết định thu hồi đất, xử phạt vi phạm hành chính... Từ đó, tránh vi phạm làm phát sinh bồi thường Nhà nước. Về công tác tuyên truyền, cần nâng cao nhận thức của Nhân dân song song với ý thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức”.
Pháp luật đã quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường Nhà nước |
AN KHANG - KHÁNH HƯNG