Hướng đi mới cho “Make in Viet Nam”

25/01/2021 - 06:20

 - Chiến lược “Make in Viet Nam” với hàm ý “Doanh nghiệp (DN) Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới” đang tạo một làn gió mới cho sự đổi thay, tiến bộ vượt bậc của nhiều DN trong nước. Tiếp nối những thành công của chiến lược trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra những hướng đi mới hơn cho “Make in Viet Nam” giai đoạn 2021-2025.

Trong giai đoạn 5 năm (2016-2020), ngành công nghiệp ICT Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng trung bình 26,1%/năm, trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Năm 2020, doanh thu ước đạt 120 tỷ USD, trong đó doanh thu công nghiệp phần cứng đạt trên 107 tỷ USD, doanh thu công nghiệp phần mềm đạt trên 5 tỷ USD, doanh thu công nghiệp nội dung số đạt trên 900 triệu USD. Tính đến năm 2019, về cơ bản lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đã hoàn thành được mục tiêu đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Trong đó, công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng trung bình là 14,7%, cao hơn nhiều lần mức tăng trưởng kinh tế, cao hơn chỉ tiêu ngành (chỉ tiêu 10%). Công nghiệp phần mềm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình giai đoạn 2016-2018 là 15%. Công nghiệp phần cứng, điện tử, viễn thông tốc độ tăng trưởng trung bình là 20,24%. Công nghiệp nội dung số tốc độ tăng trưởng trung bình là 7,47%. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt hơn 93 triệu USD.

Đặc biệt, giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông (đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc, như: Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore). Đây là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế. Năm 2019, xuất siêu trong lĩnh vực phần cứng, điện tử ước đạt 28 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về dịch vụ công nghệ số. Về phát triển DN công nghệ số, đã hình thành đội ngũ DN trong nước với những nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử viễn thông có thương hiệu trong nước và quốc tế. Một số DN đã chú trọng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, giải pháp mới dựa trên công nghệ 4.0.

Định hướng cho giai đoạn 2020-2025, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục xây dựng ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông Việt Nam có tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2 - 2,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước, đứng đầu trong các ngành có giá trị hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có thương hiệu quốc gia và thứ hạng cao trên thương trường quốc tế. Các DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thực hiện thành công chủ trương làm chủ công nghệ, nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2020”

 Đến năm 2025, Việt Nam có khả năng chủ động trong việc sản xuất được các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, điện tử các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Về năng lực công nghiệp công nghệ thông tin tại địa phương yêu cầu tối thiểu 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên 1 tỷ USD, phải phát triển được lõi công nghệ và sản phẩm trong tài chính, thương mại, nông nghiệp, sinh học và đối phó với biến đổi khí hậu, sản xuất công nghiệp, an ninh quốc gia bao gồm an ninh mạng và các công nghệ số trong quốc phòng. Sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước chiếm 50-70% thị trường mua sắm của các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực chuyên sâu về các lĩnh vực công nghệ tiên tiến (IoT, AI, dữ liệu lớn...) của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đưa Việt Nam trở thành một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử - viễn thông, xuất khẩu phần mềm, xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin lớn của thế giới và đưa công nghệ công nghiệp 4.0 trở nên phổ cập ở Việt Nam; số lượng DN công nghiệp công nghệ thông tin đạt trên 70.000 DN, trong đó tối thiểu 10 DN đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD. Cùng với đó là phát triển DN công nghệ số Việt Nam theo Chỉ thị số 01/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển DN công nghệ số Việt Nam; xây dựng Chiến lược phát triển DN công nghệ số Việt Nam với định hướng thúc đẩy phát triển 4 loại hình DN công nghệ số với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 100.000 DN công nghệ số. Đồng thời, tạo điều kiện và tập trung chỉ đạo các DN Việt Nam thực hiện sứ mệnh đầu tư vào nghiên cứu sản xuất các giải pháp, sản phẩm công nghệ số làm chủ và phát triển được sản phẩm thương mại đó là trong công nghệ mạng viễn thông và các thiết bị 5G và phát triển hệ sinh thái 5G vào các năm tiếp theo, công nghệ trí tuệ nhân tạo, IoT, phân tích dữ liệu lớn.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích