Sáng tạo trong hướng nghiệp cho học sinh phổ thông
Học sinh trường THPT FPT Cần Thơ (thuộc FPT Edu) được học bộ môn kỹ năng mềm và hướng nghiệp thông qua dự án trải nghiệm thực tế.
Mô hình học tập 10:20:70 được áp dụng trong những dự án này. Trong đó, 10% là học qua tài liệu, giờ học chính khóa; 20% là học thông qua tương tác xã hội (talkshow, workshop, câu lạc bộ, các hoạt động tham quan, tranh biện, thuyết trình…); 70% còn lại là học qua trải nghiệm thực tế (tham gia các cuộc thi, làm dự án,…).
Học sinh trường THPT FPT Cần Thơ được trải nghiệm nghề nghiệp thông qua việc tự tay lên ý tưởng và hiện thực hóa dự án của riêng mình (Ảnh: FPT Edu).
Theo đại diện nhà trường, thay vì thụ động ngồi nghe tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu ngành nghề, học sinh sẽ được khuyến khích chọn một trong 4 lĩnh vực mình quan tâm và định hướng làm ngành nghề tương lai (khoa học xã hội - giáo dục - ngôn ngữ, khoa học kỹ thuật - công nghệ, kinh tế - tài chính, nghệ thuật - thiết kế - truyền thông) để thực hiện dự án của riêng mình.
Dự án đó có thể là một cửa hàng khởi nghiệp, dự án thiện nguyện hay một con robot,… tùy thuộc vào sở thích và sự sáng tạo của học sinh.
"Đây là cách để học sinh quan sát sâu hơn về thế giới xung quanh, từ đó phát hiện những vấn đề còn tồn tại và tự đề xuất giải pháp", bà Lê Trương Kim Phượng (Phó hiệu trưởng trường THPT FPT Cần Thơ, FPT Edu) cho biết.
Cũng theo bà Phượng: "Qua những hoạt động này, học sinh sẽ đánh giá được ý tưởng của mình có khả thi để hiện thực hóa hay không, năng lực và kiến thức của các em đã phù hợp để triển khai dự án thực tế hay chưa. Đây cũng là một cách để hướng nghiệp cho học sinh, giúp các bạn có sự nhìn nhận sáng tạo nhưng cũng rất thực tế về công việc mình muốn làm trong tương lai".
Hướng nghiệp là giáo dục bền vững
Giáo dục hướng nghiệp theo mô hình 10:20:70, gắn với trải nghiệm đã thu hút 206 học sinh phổ thông FPT Edu tham gia, 13 thầy cô đồng hành. 39 dự án đã được học sinh tự lên ý tưởng và triển khai. Mỗi dự án kéo dài khoảng 3 tháng với chuỗi hoạt động thú vị. 9 địa điểm như các danh thắng, triển lãm, làng nghề địa phương, bảo tàng thành phố Cần Thơ đã được học sinh lựa chọn để tham quan, học tập trải nghiệm.
Trong đó, nhiều dự án được đánh giá cao như: Sáng tạo thiết bị hỗ trợ cảm xúc để khám phá về ngành công nghệ thông tin, "Nghiêng che hồn Việt" - dự án thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và truyền thông…
Bà Lê Trương Kim Phượng (giữa) chia sẻ kinh nghiệm làm công tác hướng nghiệp qua học tập trải nghiệm đến các đồng nghiệp tại hội thảo FPT Educamp 2022 (Ảnh: FPT Edu).
Khuyến khích học sinh sáng tạo ý tưởng đã khó, việc đồng hành cùng học trò hiện thực hóa những sáng tạo này còn thách thức hơn. Khi đó, thầy cô - những người làm công tác hướng nghiệp - phải phân tích, giải thích, hỗ trợ về mặt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho học trò.
Đại diện nhà trường cho biết, có trường hợp, một vài ý tưởng của học sinh có phần phi thực tế nhưng giáo viên cũng sẽ không phản bác một cách thẳng thừng. Các thầy cô sẽ cùng học sinh phân tích độ khả thi của ý tưởng, cân nhắc khó khăn, thuận lợi để tìm ra cách triển khai hiệu quả nhất có thể.
Những nỗ lực triển khai công tác hướng nghiệp của giáo viên THPT FPT Cần Thơ, FPT Edu xuất phát từ mong muốn thay đổi quan điểm của Gen Z hiện nay về việc "đi làm".
Chọn nghề là chọn gì để bản thân thực sự hạnh phúc với nghề, thông qua làm nghề để góp phần mang đến những giá trị cho cộng đồng xã hội. Làm công việc mình yêu thích, các bạn trẻ có thể tự kiến tạo thành công của bản thân một cách dễ dàng hơn hay có mong muốn học tập suốt đời để gắn bó với nghề.
"Mục tiêu của dự án tương đồng với một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc về giáo dục", bà Phượng chia sẻ.
Vừa qua, bà Phượng cũng chia sẻ cách làm và kinh nghiệm trong dự án tại hội thảo học thuật do FPT Edu tổ chức - FPT Educamp 2022 với chủ đề "Làm gì cho SDG4?".
"Mình mong muốn cùng đồng nghiệp chia sẻ một góc nhìn mới hơn về giáo dục hướng nghiệp, đưa ra giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục theo đúng mục tiêu mà Liên Hợp Quốc hướng tới", bà Phượng nhấn mạnh.
Theo Dân Trí