Huyện Phú Tân thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

16/09/2024 - 06:22

 -  Với mục tiêu cụ thể trong từng năm, UBND huyện Phú Tân đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 12.400ha trong “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” (gọi tắt là Đề án 1 triệu héc-ta) trên địa bàn tỉnh.

Trên toàn địa bàn, huyện Phú Tân đăng ký 12.348ha tham gia Đề án 1 triệu héc-ta. Nông dân sẽ được hỗ trợ giống, vật tư, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật theo quy định hiện hành; tập huấn kỹ thuật sản xuất giảm khí cacbon trong quá trình sản xuất, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bổ sung phân hữu cơ, giảm phân đạm và áp dụng giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chuẩn bị cho nông dân về kiến thức và kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông mục tiêu của đề án.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba, đơn vị được UBND huyện chọn thí điểm sản xuất theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao với diện tích 50ha. Từ đó làm cơ sở đúc kết, nhân rộng ra 12 xã theo kế hoạch.

“Chúng tôi rất hoan nghênh chủ trương của Chính phủ, ngành nông nghiệp khi thực hiện đề án này. Không chỉ riêng huyện Phú Tân, thời gian qua, theo dõi quá trình triển khai ở từng địa bàn cụ thể trong tỉnh, ngành chuyên môn rất tích cực tuyên truyền, hỗ trợ cung cấp thông tin, tập huấn những kiến thức cần thiết. Qua đó, nông dân hiểu được đề án này đem lại nguồn thu nhập cao hơn bằng cách giảm chi phí sản xuất, nâng lên lợi nhuận” - ông Lô Ba chia sẻ.

Tuy nhiên, đề án này còn khá mới mẻ đối với nhà nông, nhiều người bỡ ngỡ, băn khoăn khi áp dụng kỹ thuật sạ thưa. HTX nông nghiệp Phú Thạnh phối hợp UBND xã, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất, đến thời điểm này, bà con rất hài lòng ủng hộ.

Theo ông Lô Ba, để tăng thêm sự thuyết phục, vào thời điểm thu hoạch, cần tổ chức hội thảo báo cáo về mô hình, đánh giá và so sánh với ruộng đối chứng cho nông dân thấy được kết quả cụ thể giữa mô hình tham gia đề án và nơi sản xuất thông thường. Từ đó, thu hút những người chưa tham gia đề án, vì đây sẽ là mô hình lâu dài vì sự phát triển của nền nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân.

Nông dân tham quan trình diễn máy sạ hàng trong thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta

Trước đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai mô hình trình diễn vận hành, đánh giá hiệu quả sử dụng máy sạ hàng kết hợp vùi phân tham gia Đề án 1 triệu héc-ta tại xã Hiệp Xương. Nông dân đã xem trình diễn thực hiện mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải đầu tiên của tỉnh.

Mô hình được triển khai trên diện tích 15ha vụ thu đông 2024, ứng dụng máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân, sử dụng giống OM5451, lượng giống gieo sạ 80kg/ha, khoảng cách hàng rộng - hẹp là 40 x 10cm. Tham quan trình diễn, nông dân đánh giá cao máy sạ hàng kết hợp vùi phân và đánh đường nước, tạo ra nhiều rãnh giúp thoát nước tốt. Những hàng lúa có rãnh trống sẽ hưởng được nhiều ánh sáng, chắc chắn cây lúa phát triển tốt, hạt chắc.

Để tạo cơ sở vững chắc thực hiện trong năm 2025, trước mắt, huyện Phú Tân thực hiện thí điểm vụ thu đông năm 2024 các mô hình ở 12 xã về chọn giống, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sản xuất theo quy trình “1 phải, 6 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa; giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bơm tưới, thu hoạch và thất thoát) tưới ngập - khô xen kẽ” và tổ chức các lớp tập huấn.

Đến năm 2025, phấn đấu đạt quy mô diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 3.485ha và nhân rộng ở những vùng thuận lợi. Nối tiếp đến năm 2030, huyện phấn đấu đạt diện tích 12.400ha và 100% diện tích sản xuất trong “Đề án 1 triệu héc-ta” có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó, tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích, 24.800 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng đạt 100%; tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%...

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo cho biết, thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta, huyện quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của tỉnh về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; một số chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực, khuyến khích phát triển HTX…

Trong quy hoạch và tổ chức lại sản xuất, giải pháp của huyện là xác định quy mô vùng sản xuất lúa tập trung, nằm trong vùng quy hoạch đất chuyên trồng lúa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo đủ điều kiện và thực hiện chu trình sản xuất “2 năm, 5 vụ”.

Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng; trang bằng đồng ruộng theo từng tiểu vùng để góp phần tiết kiệm nước, áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất…

Đặc biệt, trong giải pháp thị trường -  xúc tiến thương mại, UBND huyện đề nghị các cấp, ngành liên quan tiếp tục mời gọi doanh nghiệp liên kết tiêu thụ. Trong đó, phát huy vai trò tiên phong của các HTX, tổ hợp tác, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất theo thỏa thuận; quảng bá thương hiệu gạo tại các hội chợ, hội nghị trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Tại mỗi tiểu vùng sản xuất định hướng phát triển và củng cố ít nhất 1 HTX/tổ chức nông dân làm đại diện để thu gom lúa nguyên liệu cũng như đồng hành với doanh nghiệp trong việc quản lý chất lượng.

MỸ HẠNH