Toàn cảnh Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2023
Ngày 8/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2023.
Những kết quả tích cực
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngày 24/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã tổng kết thành tựu đã đạt được của phát triển đô thị Việt Nam sau 35 năm đổi mới. Cụ thể: Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến tháng 10/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có hai đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt hơn 42,6%.
Tuy nhiên, Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đã thẳng thắn nêu ra những bất cập trong phát triển đô thị, như: Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.
Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn.
Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.
Diễn đàn đô thị Việt Nam 2023 chính là cơ hội để các chính quyền đô thị các địa phương, nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, cộng đồng có liên quan đối thoại, chia sẻ, kết nối các tri thức, bài học, thực tiễn quan trọng để cùng có những đề xuất, định hướng, cách làm hay để hiện thực hóa những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 148 của Chính phủ về triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra để phát triển đô thị đất nước giai đoạn mới.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Diễn đàn
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị một số định hướng hợp tác thúc đẩy phát triển đô thị Việt Nam. Cụ thể:
Đối với Chính quyền đô thị tại địa phương: cần hết sức quan tâm, phát huy tính chủ động, bố trí nguồn lực, vật lực và nhân lực cho sự nghiệp phát triển đô thị tại địa phương, tập trung đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng đô thị song song với quá trình đô thị hóa. Phát huy nội lực và động lực đô thị của địa phương để đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng và sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, các địa phương cần quyết liệt hơn, bảo đảm tiến độ của Chương trình hành động của địa phương thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Đối với cán bộ thực hiện công tác quản lý phát triển đô thị: Chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực hợp tác và phối hợp trong quá trình thực hiện các công tác quản lý phát triển đô thị, đặc biệt là các chương trình, đề án phát triển đô thị trọng điểm.
Đối với các tổ chức, cộng đồng dân cư: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm cộng đồng đối với sự phát triển đô thị. Chủ động có những đề xuất, tham vấn, đóng góp với các cơ quan có liên quan tại địa phương và trung ương.
Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, đến thời điểm hiện nay, 60/63 địa phương đã tích cực xây dựng và ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW. Qua đánh giá chung cho thấy, nội dung Chương trình/Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW của các địa phương đã thể hiện được nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng đến sự cần thiết phải đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh và bền vững, coi đó là những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm; đã thể hiện cơ bản đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương đối với việc xây dựng và thực hiện chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển kinh tế khu vực đô thị; các giải pháp phát triển của địa phương thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt sâu rộng các nội dung và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại Diễn đàn
Để công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Bộ Chính trị và nhằm thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết 06-NQ/TW, Diễn đàn cần trao đổi, thảo luận và làm rõ một số nhiệm vụ. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới tư duy thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững theo tinh thần của Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị hơn nữa; nắm bắt được quy luật, nhận thức đúng và đầy đủ về đặc thù của đô thị để chủ động, sáng tạo các giải pháp phát triển của địa phương, đặc biệt lưu ý về yêu cầu xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chọn khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng và phát triển đô thị bền vững là đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị; tiến hành phân định rõ các vùng trong nội dung quy hoạch đô thị và áp dụng các công cụ kiểm soát chặt chẽ quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, khuyến khích tạo việc làm tại chỗ để hạn chế di dân quá lớn vào các đô thị lớn; gắn đồng bộ quy hoạch đô thị với nguồn lực thực hiện.
Đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; trong đó, trọng tâm là xây dựng Luật để quản lý phát triển đô thị bền vững và Luật Điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn.
Cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị;sớm có cơ chế và công cụ hoạt động nhằm tối ưu hóa hợp tác giữa các địa phương trong phát triển đô thị.
Huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị cần quán triệt quan điểm phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị để nuôi dưỡng và phát triển đô thị, trong đó quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.
Thực hiện cấu trúc lại không gian phát triển kinh tế đô thị; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng mật độ kinh tế và tính liên kết vùng, liên kết giữa các đô thị, liên kết giữa đô thị và nông thôn trong phát triển kinh tế đô thị; đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của các đô thị thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái nêu các đề xuất trong quản lý phát triển đô thị bền vững
Theo Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái, nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, Cục Phát triển đô thị đã nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Xây dựng xây dựng 5 chính sách trong quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Cụ thể:
Về phân loại, quản lý phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ về mạng lưới và phù hợp vùng miền: Quy định các tiêu chuẩn chất lượng sống tại đô thị; Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền; Bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; Bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị trực thuộc Trung ương, đô thị trung tâm cấp quốc gia với đô thị vùng và khu vực nông thôn.
Về quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị hiện đại, xanh, thông minh, hướng tới phát triển bền vững: Bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa phát triển các đô thị mới với cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển đô thị, phát triển đô thị có quy hoạch, theo kế hoạch, theo định hướng hiện đại, đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai dịch bệnh.
Về quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu: Hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý phát triển và cung cấp dịch vụ hạ tầng đô thị nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ hạ tầng xã hội và phát triển đa dạng không gian công cộng đô thị.
Về quản lý phát triển không gian ngầm đô thị: Thúc đẩy phát triển, khai thác sử dụng không gian ngầm đô thị hiệu quả, bền vững, góp phần đa dạng hóa không gian phát triển của đô thị.
Về tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị: Đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa, thiết lập nền tảng để chuyển đổi sang mô hình quản lý phát triển đô thị dựa trên kết quả, nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị, quy định chuẩn hóa năng lực nghiệp vụ quản lý phát triển đô thị gắn với tăng cường phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm chính quyền địa phương và vai trò của cộng đồng trong quản lý phát triển đô thị.
Giám đốc Quốc gia AFD tại Việt Nam Hervé Conan khẳng định tiếp tục hỗ trợ và đối thoại với Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng trong việc triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) về các công cụ đo lường khả năng chống chịu phục hồi đô thị và tăng trưởng xanh. Đây là công việc quản lý nhà nước nhằm đánh giá sự triển khai của các đô thị trong việc thực hiện khả năng chống chịu và tăng trưởng xanh. Hai lĩnh vực chiến lược này phục vụ cho tương lai của các đô thị có thể sẽ được đề cập trong luật đô thị mới hiện đang được Bộ Xây dựng chuẩn bị.
Diễn đàn xoay quanh chủ đề chính là “Quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với một phiên toàn thể và tọa đàm và ba hội thảo chuyên đề với các nội dung: Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững; Chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị; Phát triển đô thị thân thiện với môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu.
Theo Báo Nhân Dân