Khai thác du lịch búng Bình Thiên

19/10/2020 - 06:31

 - Không chỉ giữ vai trò điều tiết nước cho một phần châu thổ của dòng Mekong huyền thoại, mà búng Bình Thiên còn là điểm đến đầy hấp dẫn du khách thích khám phá sông nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long và văn hóa Chăm độc đáo.

Hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây

Búng Bình Thiên nằm trên địa phận 3 xã: Quốc Thái, Khánh Bình và Nhơn Hội của huyện An Phú… Búng Bình Thiên còn có tên gọi khác là “hồ nước trời”, là một trong những địa danh nổi tiếng của An Giang bên cạnh:  rừng tràm Trà Sư, hồ Tà Pạ, cù lao Giêng...

Dọc theo Quốc lộ 91C trên cung đường An Phú đi Long Bình, búng Bình Thiên sở hữu những đặc trưng khác với nhiều hồ nước thông thường. Miệng búng thông với sông Bình Di, là một nhánh của sông Hậu. Nhưng khi dòng nước đỏ ngầu phù sa ngoài sông chảy vào búng thì trở nên trong lành. Hồ nước ngọt cứ mênh mông xanh ngắt, khác xa nước màu đục của những kênh, rạch, sông, hồ quanh vùng. Điều này làm cho búng Bình Thiên trở thành một trong những hồ nước có hiện tượng thiên nhiên kỳ thú.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản búng Bình Thiên

Theo khảo sát của ngành chuyên môn, búng Bình Thiên có diện tích mặt nước vào mùa khô khoảng 220ha, vào mùa nước nổi khoảng 600ha, độ sâu trung bình khoảng 4m, không bao giờ cạn. Những nghiên cứu cho thấy, dưới lòng búng có nhiều loài thân mềm 2 mảnh vỏ, loại rong, tảo có thể ngăn dòng nước chảy xiết, đồng thời có tác dụng lọc nước, khiến nước hồ xanh trong quanh năm.

Đến búng Bình Thiên, du khách dễ dàng nghe những sự tích về búng Bình Thiên có liên quan đến kiếm báu, bảo ngọc hay rùa vàng, rùa bạc… và những câu chuyện kỳ thú từ thời mở cõi. Thú vị nhất là đến búng Bình Thiên vào mùa nước nổi (bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 10 âm lịch), du khách có dịp tham dự lễ hội truyền thống (Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi búng Bình Thiên” diễn ra vào ngày 30 và 31-8 hàng năm trước đây). Đây là liên hoan văn hóa đặc thù vùng đầu nguồn sông nước, nơi người dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác lúa, khai thác, đánh bắt thủy sản vào mùa nước lũ.

Dịp này, du khách không chỉ được thưởng thức chương trình nghệ thuật sân khấu nước hoành tráng, tái hiện cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân vùng sông nước phương Nam, mà còn được lắng nghe những câu hò, điệu lý, những tài tử hát giao duyên đằm thắm, trữ tình, với những chất giọng thánh thót… hòa quyện với những điệu múa của 4 dân tộc Kinh- Hoa - Chăm - Khmer hấp dẫn như trong cổ tích.

Ngoài ra, còn được giải trí với các hoạt động thể thao sôi nổi như: đua thuyền, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, bơi lội, chống xuồng trên đồng và nhiều trò chơi dân gian khác… Đây là sản phẩm du lịch (DL) rất độc đáo của An Phú nhưng tiếc là sự kiện này đã không được tổ chức từ hơn 7 năm nay!

Khai thác tiềm năng du lịch

Búng Bình Thiên không chỉ là nơi lưu giữ rất nhiều huyền thoại, những thú vị để trải nghiệm, khám phá DL sinh thái mà còn là nơi bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm và đồng thời còn là công trình điều tiết thủy lợi, hồ chứa nước ngọt ở đầu nguồn. Những năm qua, hạ tầng giao thông ở An Phú đã kết nối hoàn thiện từ Châu Đốc, Cồn Tiên đi Long Bình, qua Campuchia dễ dàng… kết hợp với khai thác khu vực kinh tế cửa khẩu Khánh Bình sẽ là điều kiện tốt để khai thác tiềm năng DL.

Liên hoan văn hóa mùa nước nổi búng Bình Thiên là sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của An Phú, An Giang

Gần đây, tỉnh thống nhất ý tưởng đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời kết hợp bảo tồn thủy sản và phát triển DL sinh thái búng Bình Thiên. Theo UBND tỉnh, ý tưởng cơ bản phù hợp với định hướng quy hoạch, phát triển của tỉnh đối với khu vực búng Bình Thiên.

Tại cuộc họp đề xuất ý tưởng dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời kết hợp bảo tồn thủy sản và phát triển DL sinh thái tại búng Bình Thiên của Công ty Cổ phần Nam Việt, qua lắng nghe ý kiến của các ngành chuyên môn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư thống nhất cho phép doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Nam Việt) lập báo cáo nghiên cứu đề xuất dự án điện năng lượng mặt trời kết hợp bảo tồn thủy sản và phát triển DL sinh thái tại khu vực này, báo cáo xin ý kiến Thường trực UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án phải đúng quy định và phải đảm bảo mục tiêu: là công trình điều tiết thủy lợi, nơi chứa nước ngọt ở đầu nguồn, nên phải đảm bảo nạo vét lòng búng, hạn chế ô nhiễm môi trường và tạo kênh thông thoáng kết nối với sông Hậu, đảm bảo nguồn nước không bị ứ đọng. Đảm bảo giữ mực nước cao trình “dương 4m” trong mùa khô.

Nhà đầu tư khi thực hiện dự án phải giải phóng mặt bằng và đền bù cho người dân theo quy định. Thực hiện tốt việc bảo vệ nguồn thủy sản nước ngọt: xử lý ô nhiễm, quản lý tốt việc khai thác thủy sản và sắp xếp lại lồng bè neo đậu trên búng, thực hiện nghiêm việc phân khu bảo tồn nghiêm ngặt (khoảng 50ha)…

UBND tỉnh lưu ý, khu vực búng Bình Thiên là nơi bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm và là nơi phát triển DL sinh thái, nên nhà đầu tư có thể đầu tư phát triển thêm DL sinh thái, bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm tại khu vực này. Sau khi trừ diện tích mặt nước búng Bình Thiên cho khu bảo tồn nghiêm ngặt (từ 40-50ha), nhà đầu tư có thể phát triển dự án điện năng lượng mặt trời với quy mô tối đa từ 50-70% diện tích mặt nước của hồ (tỷ lệ che phủ mặt nước do báo cáo đánh giá tác động môi trường và hội đồng thẩm định quyết định). Phần diện tích phía trên bờ thì nhà đầu tư thỏa thuận đền bù cho người dân theo quy định để mở rộng diện tích dự án…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư giao UBND huyện An Phú chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh bổ sung quy hoạch khu vực búng Bình Thiên để báo cáo xin ý kiến Thường trực UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Sau khi quy hoạch 1:2000 của khu vực này được phê duyệt thì giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng quy định hiện hành.

HỮU HUYNH