Khai thác tiềm năng, thế mạnh từ dược liệu

21/03/2018 - 07:18

 - Nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng, cư dân bản địa có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng và sử dụng dược liệu từ những bài thuốc dân gian. Đây là lợi thế rất lớn của An Giang trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dược liệu chất lượng cao, nhằm phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng như cải thiện kinh tế.

Tuy nằm ở vùng đồng bằng, nhưng lại có núi, với dãy Thất Sơn hùng vĩ, đó là lợi thế của An Giang về bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, do chênh lệch biên độ dao động nhiệt giữa ngày và đêm, nên dược liệu trồng ở vùng Bảy Núi có dược tính cao hơn so với trồng ở đồng bằng. Theo điều tra của Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. Hồ Chí Minh, An Giang có nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú và đa dạng, hiện có 950 loài, thuộc 6 ngành, 84 bộ, 154 họ, 546 chi, có thể dùng trong việc phòng và chữa bệnh. Vì vậy, nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Đây là tiền đề để phát triển thành vùng nguyên liệu dược liệu ổn định, phát triển bền vững, phục vụ chế biến những sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng Bảy Núi.

Hiện nay, xu hướng nghiên cứu cây thảo mộc trong điều trị bệnh được các nhà khoa học trên thế giới đặc biệt quan tâm và là hướng đi phù hợp. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi, An Giang sẽ tăng cường hợp tác với các nhà khoa học, viện, trường, các doanh nghiệp và nông dân để cây dược liệu hình thành chuỗi liên kết. Cây dược liệu không chỉ phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân, mà sẽ trở thành cây trồng với những sản phẩm đóng góp giá trị cho nền kinh tế của tỉnh. Thời gian qua, cùng với việc thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về bảo tồn và phát triển dược liệu, An Giang còn xây dựng phần mềm “Cây thuốc An Giang” chạy trên hệ điều hành Android và cơ sở dữ liệu cây thuốc vùng Bảy Núi trên website của Chi cục Kiểm lâm. Ngoài ra, tiến hành giới thiệu các sản phẩm dược liệu đã có thương hiệu như: bột huyền, rượu đinh lăng, mật ong rừng tràm Trà Sư tại các hội chợ hay trưng bày và bán sản phẩm ở khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến thương mại ở TP. Hồ Chí Minh… Đây là định hướng phát triển lâu dài cho việc xây dựng vùng nguyên liệu trồng cây thuốc.

Chi cục Kiểm lâm đã và đang thực hiện mô hình trồng dược liệu kết hợp phát triển du lịch trên núi Cấm. Theo đó, đinh lăng và kim ngân hoa được trồng trên diện tích 25ha, kết hợp nuôi ong lấy mật. “Đàn ong sẽ hút mật từ cây kim ngân hoa, như vậy mật ong thu được sẽ có dược tính cao hơn so với mật ong hiện có trên thị trường. Bên cạnh đó, sẽ tạo cảnh quan đẹp, nhiều phương án du lịch sẽ được kết hợp, chắc chắn sẽ là điểm du lịch lý tưởng để du khách đến tham quan trong hành trình khám phá Bảy Núi - An Giang” - ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm) thông tin. Dù được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá là tỉnh có tiềm năng dược liệu rất lớn, đặc biệt là có nhiều loại quý hiếm nằm trong “Sách đỏ cây thuốc Việt Nam”, nhưng nguồn dược liệu ở An Giang mới chỉ dừng ở mức bảo tồn, chưa đủ khả năng để phát triển thành ngành kinh tế. Theo PGS.TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô, người có nhiều công trình nghiên cứu về dược liệu, đến nay An Giang vẫn chưa nằm trong quy hoạch vùng phát triển dược liệu của cả nước. Chính vì vậy, rất cần sự đột phá về nhận thức, trình độ và phương thức sản xuất, đưa tiến bộ khoa học - công nghệ về giống, thu hoạch, chế biến, kinh doanh trong quá trình bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên dược liệu ở An Giang.

BOX: Sản xuất thuốc từ thảo dược ở An Giang vẫn còn là thị trường nhiều tiềm năng, rất cần sự hợp lực của 4 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học. “Tuy nhiên, hiện nay điều chúng ta thiếu là sự đầu tư, liên kết từ doanh nghiệp, từ đó con đường phát triển vùng nguyên liệu trồng cây thuốc tập trung vẫn chưa thể hình thành. Các sản phẩm của nông dân gặp khó về đầu ra, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường...” - ông Bành Thanh Hùng nhận định.                    

ÁNH NGUYÊN