Khẩn cấp phòng, chống hạn, kiệt

19/03/2019 - 07:42

 - An Giang đang bước vào cao điểm mùa khô năm 2019, được đánh giá là khắc nghiệt hơn so trung bình nhiều năm khi nhiệt độ tăng khoảng 1oC, nắng nóng kéo dài, khả năng thiếu hụt lượng mưa từ 20-40%... Thời tiết nguy hiểm đòi hỏi các ngành, các cấp, người dân khẩn trương ứng phó nhằm ổn định sản xuất và đời sống.

Nắng nóng như đổ lửa

Đó là cảm nhận chung của người dân vùng Bảy Núi từ đầu mùa khô đến nay, đặc biệt từ thời điểm nửa cuối tháng 2. “Mới 7-8 giờ sáng nắng đã lên khá mạnh, từ 10 giờ bắt đầu gay gắt, đáng sợ nhất từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều, nhìn ra cánh đồng cặp chân núi mà mắt muốn nổ đom đóm, có cảm giác như hơi nóng đang bốc lên ngùn ngụt. Tất cả ruộng trên ở khu vực này đều khô cằn, trơ gốc rạ, chúng tôi phải đi đồng xa dưới đồng bằng để cắt cỏ cho bò ăn. Nắng nóng kéo dài kiểu này đàn bò sẽ bị mất sức dữ lắm” - ông Chau Hên (xã An Hảo, Tịnh Biên) lo lắng. Cùng chung tâm trạng, ông Chau Ri Ta (ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, Tri Tôn) không khỏi ái ngại cho đàn gà của mình. “Nắng nóng quá nên đàn gà còi cọc, chậm lớn. Lo nhất là đang nắng nóng như vầy mà xuất hiện mưa trái mùa là dễ phát sinh dịch bệnh, có khi chết cả đàn” - ông Chau Ri Ta bộc bạch.

Hệ thống mương nổi dẫn nước phục vụ sản xuất

Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lưu Văn Ninh, từ tháng 3 đến tháng 5-2019, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ từ 0,5-1oC, trong khi tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn, cảnh báo ít mưa từ nửa cuối tháng 2 đến tháng 4. Ông Ninh cho biết, nắng nóng có xu hướng xuất hiện sớm, nhiệt độ cao nhất từ tháng 3 đến tháng 5 phổ biến từ 34-36oC, có nơi trên 36oC, đặc biệt ở vùng núi, biên giới nắng nóng hơn đồng bằng. Từ nay đến cuối tháng 5, mực nước trên các sông, kênh của tỉnh dao động theo triều với xu thế xuống dần, ở mức xấp xỉ TBNN và thấp hơn từ 0,1-0,3m so cùng kỳ năm 2018. “Độ mặn cao nhất vùng cửa sông Kiên Giang khả năng xuất hiện vào khoảng tháng 4, tháng 5. Cảnh báo độ mặn sẽ xâm nhập vào vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Kiên Giang - An Giang qua hệ thống kênh nhánh, tại các khu vực chưa có hệ thống cống, đập ngăn mặn. Độ mặn cao nhất ở 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn có khả năng ở mức cao hơn năm 2018” - ông Ninh lưu ý.

Khẩn trương ứng phó

Trước tình hình diễn biến thời tiết bất lợi, ngày 14-2-2019, UBND tỉnh đã có quyết định kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh An Giang. BCH do Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh làm Trưởng ban; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư là Phó Trưởng ban thường trực; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm là Phó Trưởng ban phụ trách công tác phòng, chống thiên tai; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nguyễn Văn Lèo là Phó Trưởng ban phụ trách công tác cứu hộ, cứu nạn trên đất liền; Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nguyễn Thượng Lễ là Phó Trưởng ban phụ trách công tác cứu hộ, cứu nạn khu vực biên giới; các ủy viên là lãnh đạo các sở, ngành.

Tại hội nghị tổng kết công tác PCTT&TKCN, phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phải nhanh chóng kiện toàn BCH PCTT&TKCN từ cấp huyện đến cấp xã, lưu ý sáp nhập thêm BCH ứng phó biến đổi khí hậu để hoạt động tập trung, thống nhất. Đồng thời, sớm hoàn thiện phương án phòng, chống hạn, kiệt khẩn cấp. Riêng 2 huyện Thoại Sơn và Tri Tôn có thêm phương án ứng phó xâm nhập mặn. Theo đó, công tác phòng, chống thiên tai, hạn, mặn tập trung vào giải pháp phi công trình và giải pháp công trình. BCH PCTT&TKCN các cấp được yêu cầu phải theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn để tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương xử lý kịp thời. Trong bối cảnh khô hạn, thiếu nguồn nước diễn ra thường xuyên, các địa phương, ngành chuyên môn chủ động hướng dẫn người dân sử dụng giống và bố trí các loại cây trồng hợp lý. Đối với đảm bảo nước tưới suốt vụ thì chủ động gieo sạ tập trung, thâm canh theo vùng để tiết kiệm nước. Đối với diện tích không đủ nước trồng lúa thì chuyển sang cây trồng khác có nhu cầu ít nước hơn và thời gian ngắn hơn lúa. Đối với diện tích không có nước chủ động thì tạm dừng không gieo trồng. Các ngành, địa phương chủ động kiểm tra, xây dựng phương án bảo đảm nguồn nước không bị ô nhiễm cho khoảng 2.000ha nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nuôi tôm càng xanh tại xã Phú Thuận (Thoại Sơn) và Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú).

Nhằm phục vụ sản xuất vụ đông xuân và hè thu 2019, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang đã chủ động lập kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất với diện tích trồng lúa, màu trên 260.000ha. Theo đó, tỉnh dự kiến nguồn kinh phí 68,4 tỷ đồng để nạo vét 146 công trình kênh, mương gặp khó về nguồn nước do mực nước xuống thấp với chiều dài gần 319km, khối lượng hơn 1,8 triệu m3. Trường hợp nước mặn xâm nhập sâu vào kênh nội đồng vùng giáp ranh tỉnh Kiên Giang, tỉnh sẽ đắp 20 đập tạm bảo vệ 7.400ha lúa ở Thoại Sơn và Tri Tôn, kinh phí 2,7 tỷ đồng. Khi hạn hán xảy ra, tỉnh sẽ hỗ trợ 50 lít dầu/ha để bơm chống hạn cứu lúa cho 4.256ha đất vùng cao của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, dự kiến kinh phí 2,6 tỷ đồng. Đối với vùng có khả năng thiếu nước cục bộ khi hạn hán xảy ra (khoảng 3.570ha), sẽ được hỗ trợ 20 lít dầu/ha để tổ chức bơm cấp 2, tổng kinh phí khoảng 3,8 tỷ đồng…

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN