Khi biên giới là nhà!

30/06/2021 - 03:56

 - Cuộc chiến chống “giặc” COVID-19 còn dài và phức tạp nên những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới đã xác định nơi đây sẽ là nhà cho đến khi đại dịch bị đẩy lùi. Với họ, cuộc sống nơi biên cương tuy vất vả nhưng đầy ắp nghĩa tình!

Lực lượng trên tuyến đầu chống dịch đã xem chốt là nhà

Tôi không nhớ hết những lần lên thăm các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19, nhưng cảm xúc của mỗi chuyến đi, những lần gặp gỡ bao giờ cũng đáng nhớ và đọng lại bao suy nghĩ. Đó là sự cảm phục những người trẻ tuổi đang cống hiến cho đất nước, quê hương trong cuộc chiến trường kỳ chống dịch. Đó còn là những lời tâm tình, chia sẻ rất thật của những người lính biên phòng, người chiến sĩ công an hay dân quân tự vệ khi họ đang ngày đêm gồng mình trên biên giới để hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, nhà nước và với nhân dân.

Nhanh tay đảo đều nồi canh đang bốc khói nghi ngút, chiến sĩ Nguyễn Văn Thu từ tốn chia sẻ với chúng tôi về nhiệm vụ của mình trên biên giới. “Tôi lên chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 số 19 của đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc) làm nhiệm vụ đã hơn 4 tháng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, được sự động viên, chia sẻ của Ban Chỉ huy đồn và anh em trên chốt đã giúp tôi có thêm động lực đương đầu với khó khăn, vất vả. Tôi xác định, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ cao nhất” - chiến sĩ Nguyễn Văn Thu chia sẻ.

Các chiến sĩ nấu ăn cho anh em trên chốt

Nhìn người chiến sĩ trẻ đang trong vai một anh đầu bếp, tôi thầm cảm phục sự trưởng thành, chững chạc của Nguyễn Văn Thu. Người lính ấy nhiệt thành mời tôi ở lại để dùng bữa cơm trưa cùng anh em trên chốt, với nồi canh đặc sản toàn rau dại nơi biên giới. Thu cho biết, khu vực anh em đóng chốt không thể tăng gia để trồng thêm dây mướp, cây cà nên rau dại được đưa vào thực đơn, mà món này lại thuộc diện vừa ngon, vừa lạ.

Trên chốt, tứ bề ruộng đồng bát ngát. Lúa đang mùa ngậm sữa nên hắt lên mùi thơm của ruộng đồng và phảng phất quanh câu chuyện của chúng tôi. Nguyễn Văn Thu kể, những hôm mưa gió, anh em vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bởi các đối tượng có thể lợi dụng thời điểm đó để nhập cảnh trái phép qua biên giới. Vì cùng ăn, cùng ở, cùng làm nhiệm vụ nên mọi người thương nhau như anh em ruột thịt trong gia đình và chốt 19 thành mái nhà chung của mấy anh em. Chập tối, họ ngồi cùng nhau ăn bữa cơm dưới ánh đèn năng lượng mặt trời và luôn tay đập muỗi. Khi màn đêm dày mịt, mấy anh em thay phiên nhau canh gác, tuần tra, quan sát biên giới. Mặt trời rực sáng cuối chân trời, họ lại cùng nhau chào ngày mới với cảnh đẹp miên man của sương sớm vùng biên. 

Vừa trò chuyện với tôi, chốc chốc Thu lại đưa tay gãi gãi. Khi tôi hỏi, người chiến sĩ ấy thật tình là anh em trong quá trình tuần tra trên bờ ruộng sẽ dính phải thuốc cỏ, thuốc trừ sâu còn đọng lại nên bị dị ứng. Có người bị nặng thì lở cả tay chân. Cực khổ là thế nhưng biên giới vẫn có cái đẹp riêng và được sống ở đây mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc. “Anh nghĩ sao nếu biết mình đang ở đây và đang giữ gìn chủ quyền mà bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để có được như hôm nay?”. Câu hỏi của người lính trẻ làm tôi suy nghĩ mãi!

Dù khó khăn, vất vả nhưng cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch sẽ vượt qua để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng

Dù không còn trẻ như Nguyễn Văn Thu nhưng thiếu tá Nguyễn Văn Nhỏ (Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) đã lên chốt từ những ngày đầu chống dịch. Gương mặt sạm đen vì nắng gió trong những tháng năm cống hiến cho quân ngũ, thiếu tá Nguyễn Văn Nhỏ vẫn tiếp tục với nhiệm vụ siết chặt biên giới, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép nhằm bảo vệ an toàn cho cộng đồng. Nguyễn Văn Nhỏ cho biết, anh em trên chốt xem mình là người anh, người chú nên bản thân phải luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ và là chỗ dựa tinh thần cho những người lính trẻ.

“Xác định cuộc chiến chống dịch là trường kỳ nên anh em đều xem chốt là nhà và luôn cố gắng gia cố, vun vén để nó vững chãi hơn. Mọi người ở đây chia sẻ nhau con cá, gói mì nên thương nhau lắm. Không thương sao được khi mỗi đứa mỗi quê, mỗi nhiệm vụ khác nhau nhưng bây giờ sống cùng nhau, vì một mục tiêu chung là thắng “giặc” COVID-19. Ở chốt, mùa nước, mùa khô, mùa nắng hay mùa mưa đều có những khó khăn, vất vả riêng nhưng ý thức được niềm tin của nhân dân dành cho lực lượng tuyến đầu, chúng tôi càng cố gắng vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ” - thiếu tá Nguyễn Văn Nhỏ khẳng định.

Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng thiếu tá Nguyễn Văn Nhỏ, chiến sĩ Nguyễn Văn Thu hay bất cứ người lính nào đang làm nhiệm vụ trên các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 sẽ tiếp tục gác lại câu chuyện của riêng mình để ngày đêm canh giữ chủ quyền đất nước, canh giữ sự an toàn cho người thân và cả cộng đồng trước đại dịch COVID-19, kết hợp phòng, chống các loại tội phạm qua biên giới. Và với họ, giờ đây biên giới đã là nhà!

THANH TIẾN