Theo ông Dễ, gia cảnh ông khó khăn, thuộc diện cận nghèo ở địa phương. Ông hành nghề chạy xe Honda đầu kiếm sống, người vợ nay ốm mai đau, chỉ có thể ở nhà lo việc nội trợ. Các con họ tứ tán đi làm ăn nơi này, nơi khác. Căn nhà vợ, chồng ông đang ở xuống cấp trầm trọng đến mức đổ sập, tốc mái. Năm 2015, chính quyền, đoàn thể xã Định Mỹ đến nhà xem xét, hứa sẽ hỗ trợ cất cho họ căn nhà Đại đoàn kết. Cuối năm 2017, địa phương đưa cho ông 3 triệu đồng và bộ cột bê-tông (nhưng quá thấp, không sử dụng được).
“Nhu cầu bức thiết của chúng tôi là phải cất sửa nhà để ổn định cuộc sống. Do vậy, gia đình tôi chạy vạy vay mượn tiền nhiều nơi. Các con, người thân 2 bên cho thêm một ít, bảo lãnh mua vật tư thiếu... Tháng 5-2018, căn nhà hoàn tất, kết cấu khung kẽm sắt, mái tole, vách tole, nền lát gạch tàu, tổng chi phí gần 60 triệu đồng. Đến đầu tháng 11-2018, chính quyền địa phương cùng cơ quan, ban, ngành tỉnh, huyện đến văn phòng ấp, mời gia đình tôi đến. Qua đó, công bố Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 2-11-2018 của UBND xã Định Mỹ, trao nhà Đại đoàn kết trị giá 60 triệu đồng cho gia đình tôi. Trong quyết định ghi rõ: diện tích căn nhà ngang 4,5m x dài 8m, khung nhà bằng sắt, mái và vách tole, nền lát gạch. Chúng tôi rất mừng vì sẽ có tiền trang trải nợ nần. Hai tuần sau khi nhận quyết định, tôi đến UBND xã xin nhận tiền. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã cho biết “đã ra quyết định sai, sẽ thu hồi”, nhưng không nói rõ lý do. Rất mong các cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết cho tôi được nhận số tiền như trong quyết định trao tặng nhà Đại đoàn kết, để gia đình tôi có tiền trả nợ trong lúc cất sửa lại nhà” - ông Dễ trình bày.
Ông Dễ bên căn nhà mới cất sửa của mình
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã Định Mỹ Khưu Thiện Chơn cho biết: “Khoảng năm 2015, hộ ông Huỳnh Văn Dễ có tên trong danh sách xét hỗ trợ nhà Đại đoàn kết. Đến năm 2016, nhà ông Dễ bị hư, sụp mái, ông tiếp tục xin hỗ trợ nhà. Sau khi xem xét, địa phương quyết định hỗ trợ nhà cho ông. Giữa năm 2017, địa phương trích từ nguồn quỹ “Vì người nghèo”, hỗ trợ 3 triệu đồng; vận động nhà hảo tâm hỗ trợ bộ cột bê-tông và bộ tole để ông Dễ sửa lại nhà. Thế nhưng, khi cất sửa lại nhà, gia đình ông Dễ có điều kiện (nhờ con cái và người thân quen hỗ trợ thêm) nên đã cất mới căn nhà khang trang bằng khung kẽm sắt, mái tole, vách tôn, với tổng số tiền khoảng 60 triệu đồng. Khi căn nhà hoàn thành trong năm 2018, UBND xã mới ra quyết định trao nhà Đại đoàn kết cho ông, trị giá 60 triệu đồng. Do sơ suất, trong quyết định trao nhà không ghi cụ thể phần kinh phí nào xã hỗ trợ, phần nào là vốn đối ứng của gia đình, nên gây hiểu nhầm và phát sinh thắc mắc, khiếu nại. Để khắc phục vấn đề này, địa phương sẽ đến gặp gia đình ông Dễ, giải thích rõ, đồng thời mượn lại quyết định để điều chỉnh cho phù hợp”.
Cũng theo ông Chơn, những hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, xã sẽ xem xét hỗ trợ nhà Đại đoàn kết, đồng thời lập kế hoạch đưa về UBMTTQVN huyện, tỉnh xét hỗ trợ. Căn nhà Đại đoàn kết có trị giá khoảng 30 triệu đồng trở lên, còn lại gia đình đóng góp thêm để có trách nhiệm hơn với căn nhà của mình. Cần nói rõ, đối với hộ của ông Huỳnh Văn Dễ là hộ cận nghèo, địa phương chỉ xét hỗ trợ tiền, bộ cột, tole để sửa chữa nhà, chứ không phải cất nhà.
Được biết, trong năm 2017, UBMTTQVN huyện Thoại Sơn chỉ xét cất chủ yếu cho các xã nông thôn mới, bao gồm: Vọng Thê, Tây Phú, An Bình, Mỹ Phú Đông, Vọng Đông, Bình Thành, Vĩnh Chánh và Phú Thuận. Năm 2018, không phân bổ cất nhà Đại đoàn kết cho xã Định Mỹ. “Trường hợp căn nhà của ông Huỳnh Văn Dễ, gia đình ông đã cất xong trước khi UBND xã Định Mỹ ra quyết định trao nhà Đại đoàn kết. Đúng ra trong quyết định phải ghi rõ: căn nhà tổng trị giá bao nhiêu, trong đó nhà nước hỗ trợ bao nhiêu, gia đình đóng góp thêm bao nhiêu thì mới rõ ràng, cụ thể. Như thế, gia đình ông Dễ sẽ không thắc mắc” - đại diện UBMTTQVN huyện Thoại Sơn thông tin.
Bài, ảnh: K.N