Khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục mới

22/08/2021 - 10:21

Năm học 2020 - 2021, ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ lớp 1 và tiếp tục thực hiện đối với lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021 - 2022. Năm học mới cận kề trong bối dịch COVID-19 phức tạp cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho việc đổi mới dạy và học.

Năm học 2020 - 2021 kết thúc, cô giáo Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) chia sẻ, đây là năm học đặc biệt, bởi vì năm học 2020 - 2021 là năm đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã kéo theo nỗi lo về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, khả năng tiếp thu của học sinh... Tuy nhiên, sau một năm triển khai, cả giáo viên và học sinh có những chuyển biến tích cực. Giáo viên lớp 1 của trường đã áp dụng hiệu quả các phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Vì vậy, học sinh được phát triển toàn diện các kiến thức, kỹ năng, biết vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. 

Cô giáo Nguyễn Minh Tâm, Trường tiểu học Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, đổi mới từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong bối cảnh vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến khiến việc triển khai chương trình mới khó hơn nhiều lần. Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông mới được biên soạn mở, phù hợp yêu cầu thực tiễn, giáo viên có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo. “Vì vậy dù khó khăn, đến đầu tháng 8 vừa qua mới chính thức khép lại năm học cũ nhưng ngoài đọc thông, viết thạo, học sinh đã biết xử lý những tình huống trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới” -  Cô Tâm cho biết. 

Tiết dạy thực nghiệm môn Toán cho học sinh lớp 1 tại Trường tiểu học thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An). Ảnh: MỸ HÀ

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả của học sinh lớp 1 trong cả nước năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy, 41,1% số học sinh hoàn thành xuất sắc chương trình; 15% hoàn thành tốt; 40,8% hoàn thành và 3,1% số học sinh chưa hoàn thành. Về kết quả học tập môn Tiếng Việt và Toán lớp 1, số học sinh hoàn thành tốt tăng từ 5% đến 7,6% so với năm học 2019 - 2020. So sánh với chương trình trước đây, số học sinh chưa hoàn thành tương đương nhưng số học sinh hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt chương trình mới đã tăng cao hơn. 

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, điểm đáng chú ý khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là sự vào cuộc của các địa phương đã tích cực sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp để tạo thuận lợi cho triển khai chương trình. Tỷ lệ phòng học kiên cố của giáo dục tiểu học cả nước đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%; tỷ lệ phòng học tạm, mượn đã giảm đáng kể. Đội ngũ giáo viên được sắp xếp cơ bản bảo đảm thực hiện dạy học 2 buổi/ngày; tất cả trường tiểu học ưu tiên tỷ lệ 1 phòng học/lớp. Các giáo viên được lựa chọn giảng dạy cho lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình mới đều được tập huấn trước khi đứng lớp. Nhiều địa phương có sự chuẩn bị chu đáo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Đào Công Lợi cho biết, ngoài việc bảo đảm tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn còn giao quyền chủ động cho giáo viên trong việc lựa chọn nội dung, sắp xếp thời khóa biểu phù hợp thực tế. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các kỹ thuật dạy học tích cực; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Vì vậy, chất lượng dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1 của tỉnh được bảo đảm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương gặp không ít khó khăn vì hạn chế cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn xảy ra trong nhiều năm qua và chưa được giải quyết một cách căn bản. Nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp theo quy định. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 còn nhận được ý kiến của dư luận xã hội về việc chương trình SGK môn Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn nặng; một số ngữ liệu đưa vào các bộ sách giáo khoa còn chưa phù hợp…

Năm học 2021 - 2022 đang đến gần, do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, nơi có điều kiện thì tổ chức học trực tiếp, nơi cách ly xã hội chuyển sang học trực tuyến càng đặt ra nhiều thách thức khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Thầy giáo Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học mới hiệu quả giáo viên tổ, nhóm của trường đã cùng kết nối để xây dựng những video dạy học cho học sinh. Theo đó, mỗi người có một thế mạnh sẽ đảm nhận một nhiệm vụ, như lên hình, làm Powerpoint, ứng dụng các công cụ, phần mềm để thiết kế bài giảng bằng những sản phẩm video ngắn với các bài học có nội dung mới mẻ, sáng tạo. 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong bối cảnh tác động phức tạp của dịch COVID-19 như hiện nay, cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học. Các cơ sở giáo dục chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp tình hình dịch bệnh. Ngành giáo dục và đào tạo chú trọng xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia giáo dục, các nhà trường cần xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới theo hướng mở và phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

8-1629573548831.jpg

 Giờ học của học sinh Trường tiểu học Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: THU NGUYỆT

Theo QUỲNH NGUYỄN (Báo Nhân Dân)