Tại buổi khởi động, trên 100 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) là Ủy viên Ban Chấp hành Thành đoàn, Bí thư, Phó bí thư các cơ sở Đoàn và Đoàn trực thuộc, Bí thư, Chi hội trưởng thanh niên khóm, ấp trên địa bàn thành phố đã được triển khai Đề án 1301 “Truyền thông, xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng thương hiệu DL Châu Đốc giai đoạn 2018-2020”; Bộ quy tắc ứng xử DL Châu Đốc...
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: THANH HÙNG
Với mục tiêu “phấn đấu đến trước năm 2025, Khu DL núi Sam (TP. Châu Đốc) đáp ứng các tiêu chí của Khu DL Quốc gia; đến năm 2030, trở thành trung tâm DL đặc sắc về văn hóa tâm linh, duy nhất, nổi tiếng và liên tục”. Theo đó, giai đoạn 2018-2025, TP. Châu Đốc chi gần 40 tỷ đồng cho việc phát triển DL Châu Đốc bền vững. Trong đó có việc triển khai thực hiện Đề án 1301 “Truyền thông, xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng thương hiệu DL Châu Đốc giai đoạn 2018-2020” nhằm đưa DL Châu Đốc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể...
Quang cảnh buổi khởi động chương trình “Tôi yêu du lịch Châu Đốc”
“Để góp phần thực hiện hiệu quả đề án 1301, việc khởi động chương trình “Tôi yêu DL Châu Đốc” là một chiến dịch nhằm huy động sức trẻ (ĐVTN) làm lực lượng nòng cốt, với nhiều hoạt động vui, trẻ, khỏe để kêu gọi sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong suốt thời gian triển khai thực hiện đề án. Thông qua chương trình “Tôi yêu DL Châu Đốc” nhằm nâng cao ý thức, tạo nền tảng cho cộng đồng thực hiện các quy tắc ứng xử trong DL để mỗi người dân là một đại sứ điểm đến. Mặt khác, “Tôi yêu DL Châu Đốc” nhằm hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên về nghề DL. Từ đó, tạo nguồn lực lao động có tay nghề với thái độ, hành vi và kỹ năng đúng tiêu chuẩn kỹ năng nghề DL”- ThS Trần Bảo Trân, Tư vấn trưởng Đề án 1301 chia sẻ.
Tại buổi khởi động, Ban Tổ chức đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tích cực của ĐVTN cho DL Châu Đốc, như: tổ chức thả đèn lồng vào ngày rằm hàng tháng; phát động các hộ dân trên địa bàn tổng vệ sinh (vào thứ ba hàng tuần); tuyên truyền, kêu gọi người dân cũng như du khách giữ vệ sinh môi trường khu vui chơi giải trí. Qua đó, nhằm xây dựng hình ảnh thành phố văn minh, sạch đẹp và tạo được ấn tượng tốt trong mắt du khách. Bên cạnh đó, cần bố trí trạm dừng chân có ghế cho du khách đi bộ xa. Để giữ chân du khách nghỉ qua đêm, vào tối thứ bảy, chủ nhật cần tổ chức các lễ hội trò chơi dân gian; tạo sân chơi acoustic (thể loại nhạc chủ yếu sử dụng các nhạc cụ mộc hoặc cổ điển), nhạc truyền thống kết hợp chương trình “ẩm thực đường phố”, vẽ thư pháp nhằm hướng tới giá trị truyền thống và du khách có thêm lựa chọn 1 món quà lưu niệm tặng bạn bè, người thân.
Đặc biệt, các bạn ĐVTN đề nghị cần xây dựng đội tình nguyện viên kết hợp lực lượng công an để giải quyết tình trạng chèo kéo, “chặt, chém” du khách. Phát tờ rơi để quảng bá hình ảnh, thông tin đến du khách kết hợp cùng phiếu khảo sát mức độ hài lòng. Thiết lập đường dây nóng để du khách có thể phản ánh, góp ý và được giải đáp thắc mắc; in thông tin về DL Châu Đốc lên bao bì, giấy gói hàng… ThS Trần Bảo Trân cho rằng, các ý kiến đóng góp của các bạn ĐVTN là những giải pháp rất hay góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng hình ảnh, hướng đến xây dựng thương hiệu DL Châu Đốc để hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
THU THẢO