Khởi nghiệp hướng về cộng đồng

28/09/2022 - 07:11

 - Hiện nay, không thiếu những người trẻ luôn ấp ủ những ý tưởng, kế hoạch khởi sự kinh doanh, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn hướng đến lợi ích của cộng đồng. Thông qua các mô hình có thể giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương.

Thất bại không nản

Có lẽ người dân ở xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã quá quen thuộc với hình ảnh thanh niên, luôn đầy nhiệt huyết tên Trần Ngọc Thuận. Suốt 3 năm qua, Thuận vẫn miệt mài khởi nghiệp cùng sản phẩm lục bình, được tận dụng từ nguồn lục bình tự nhiên trên sông, kênh, rạch ở địa phương.

Bản thân tốt nghiệp ngành Lâm sinh (Trường Đại học Cần Thơ), Thuận quyết định từ bỏ công việc ổn định, đi học tập kinh nghiệm từ các làng nghề ở tỉnh Long An, sau đó quay về địa phương phát triển mô hình đan đát sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình. Ban đầu, Thuận không nhận được sự ủng hộ của gia đình vì quá mạo hiểm, khi đây là mô hình quá mới ở địa phương.

Thay vì thuyết phục bằng lời nói, Thuận dùng hành động, trực tiếp thể hiện những kế hoạch, dự định của mình. Thuận gọi vốn từ người quen, sau đó đến nhà người dân ở địa phương để hướng dẫn cắt lục bình, phơi khô, đan sản phẩm. Song song đó, Thuận làm sản phẩm mẫu, đăng giới thiệu vào các hội, nhóm trên mạng xã hội để tìm đối tác hợp tác kinh doanh. Không phụ lòng, những đơn hàng đầu tiên được đặt, chủ yếu là gia công các sản phẩm khung từ lục bình.

Thuận được hỗ trợ vay vốn để phát triển mô hình

Vận hành trơn tru trong khoảng 1 năm thì dịch COVID-19 ập đến, ảnh hưởng nhiều đến đầu ra. Giá lục bình khô xuống thấp, lúc này người quen lại rút vốn đầu tư, trong khi đó đã đặt hàng của người dân khá nhiều, không thể thu mua với giá quá rẻ. Thuận đành dùng số tiền lời kiếm được trong thời gian đầu bù vào, thu mua cho bà con với giá ổn định.

Trong thời điểm dịch bệnh, đối với những người làm kinh doanh khác, mỗi đơn hàng giao được là sự vui mừng vì có được lợi nhuận, trang trải chi phí hoạt động. Riêng với Thuận, mỗi đơn hàng được giao đi là “thâm vốn” vài chục triệu đồng vì Thuận dùng chính số tiền mình kiếm được để đồng hành cùng bà con trong lúc khó khăn.

“Có những lúc gần như trắng tay, nhưng em không bỏ cuộc. Không có tiền thuê nhân công, em tự bơi xuồng đi cắt lục bình, về phơi, tự đan rồi đem bán sản phẩm. Cứ như vậy, gầy dựng lại từ từ, vì em biết, chỉ cần em đứng lên, làm được thì không chỉ làm lợi cho bản thân mà rất nhiều gia đình ở địa phương có thêm thu nhập” - Thuận chia sẻ.

Những kế hoạch rõ ràng

Theo chàng trai trẻ Trần Ngọc Thuận, ở vùng ĐBSCL, có những địa phương đã hình thành làng nghề sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình rất lâu đời, như: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long… Có thể do sản xuất nhiều, cạnh tranh về lợi nhuận nên có một số người sử dụng các loại hóa chất tác động vào nguyên liệu với mục đích nhanh khô, sáng màu hoặc thu hoạch lục bình không đủ chất lượng... Tuy nhiên, điều này làm lục bình rất dễ bị hoai mục, khiến cho sản phẩm không có giá trị sử dụng lâu dài.

Sản phẩm mỹ nghệ được làm từ lục bình

Hiểu được vấn đề, Thuận tiên phong thành lập cơ sở sản xuất các nguyên, vật liệu và sản phẩm từ lục bình chất lượng ở địa phương. Thay vì sử dụng hóa chất để sơ chế lục bình, Thuận lợi dụng điều kiện thời tiết trong năm để khai thác. Chẳng hạn, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, sẽ có nắng nhiều, phơi lục bình rất nhanh khô, màu sắc sáng, đẹp dù phơi tự nhiên.

Còn trong những tháng mưa hoặc sương muối nhiều, sẽ có kỹ thuật phơi để lục bình khô, tránh được ẩm mốc vì độ ẩm cao, từ đó tránh được lục bình bị “thâm đen”, mất giá. Đối với các bộ phận của cây lục bình, Thuận đều có những kế hoạch phát triển riêng, tận dụng tất cả, từ thân, lá, rễ. Phần thân dùng làm các sản phẩm mỹ nghệ, còn những phần thân già, không đạt hoặc phần lá có thể dùng để gói trái cây hay các sản phẩm dễ vỡ vì có tác dụng chống sốc rất tốt. Còn phần rễ lục bình sẽ hướng đến phối trộn phân bò làm phân hữu cơ, rất tốt cho cây trồng.

Để chuẩn bị cho những định hướng dài hơi hơn, Thuận đã sang tỉnh Đồng Tháp để học thêm nghề, kỹ thuật phân loại và đóng hàng xuất khẩu. Thời gian học nghề này, Thuận tranh thủ kết nối đầu mối, tìm kiếm khách hàng, liên hệ với các đoàn thể ở địa phương để tìm kiếm lực lượng lao động nhàn rỗi cùng tham gia. “Ai có nhu cầu học nghề, em sẵn sàng mở những lớp dạy miễn phí. Mọi người đều có thể tham gia làm việc, từ cắt lục bình, phơi khô, đan đát…

Tùy theo sức khỏe, điều kiện của từng người mà có thể lựa chọn công việc phù hợp. Sắp tới, sau khi học nghề xong, sản phẩm chủ lực của em sẽ là thảm lục bình, làm theo đơn đặt hàng của đối tác. Ngoài ra, cung ứng sản lượng lục bình khô, chất lượng cho các cơ sở ở các tỉnh, thành phố và xuất khẩu” - Thuận cho hay.

Mới đây, Thuận nhận đơn đặt hàng dây bòng bong để xuất khẩu qua nước ngoài với số lượng lớn. Cũng giống như lục bình, dây bòng bong xuất hiện hoang dại rất nhiều trong rừng tràm ở địa phương. Bởi vậy, khi nhận được đơn đặt hàng, Thuận rất phấn khởi vì đây là tín hiệu vui để mở rộng thêm một sản phẩm mới, giúp thêm nhiều người dân ở địa phương có việc làm.

ÁNH NGUYÊN