“Phong trào khởi nghiệp ở An Giang giai đoạn 2017-2022 đã mang lại nhiều khởi sắc. Có thể thấy, đối tượng tiềm năng trong các hoạt động khởi nghiệp là lực lượng thanh niên, thế nên Tỉnh đoàn luôn tiên phong trong hỗ trợ khởi nghiệp. Trong 20 dự án vào vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ VI/2022” có khoảng 12 dự án liên quan đến vấn đề giảm thiểu tác động đến môi trường.
Đây là tín hiệu vui, vì bên cạnh việc vươn lên khởi nghiệp, làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương, các bạn trẻ ngày càng có ý thức BVMT. Các dự án khi được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ trao vốn, rất mong muốn các bạn sẽ cam kết, cố gắng giảm tác động với môi trường theo cách riêng của từng dự án” - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang Trương Thanh Thúy cho biết.
Một trong những dự án tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ VI/2022” liên quan BVMT là dự án “Tái chế túi sách từ bọc ny-lon” của nhóm bạn Lê Văn Sơn (xã Phú An, huyện Phú Tân). Ý tưởng của nhóm xuất phát từ tình hình thực tế trong cuộc sống hàng ngày. Đây là mô hình dễ thực hiện và phù hợp với mọi lứa tuổi, thành phần, vừa mang lại thu nhập cho bản thân, vừa giảm rác thải ra môi trường.
Theo đó, các bạn sử dụng túi ny-lon đã qua sử dụng, tái chế thành các vật dụng trong cuộc sống hàng ngày, như: Túi sách, túi đựng trái cây, túi bọc bình nước… bằng cách cắt nhỏ thành từng sợi dày và móc, đan lại. Sản phẩm góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong đoàn viên, thanh niên về tác hại của chất thải nhựa, túi ny-lon đối với môi trường
Đánh giá cao những ý tưởng khởi nghiệp có tác động tích cực đến môi trường, chị Thanh Thúy cho rằng, các bạn trẻ không chỉ đặt trí tuệ, nhiệt huyết vào từng dự án mà còn thực hiện bằng cả tâm sức. Một trong số ấy là dự án khởi nghiệp với sản xuất nguyên, vật liệu hàng thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình của bạn Trần Ngọc Thuận (ngụ ấp Vĩnh Đông, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Tận dụng nguồn lục bình trên kênh, rạch, vừa góp phần khai thông dòng chảy, BVMT, vừa phát triển nghề đan lát, anh Thuận bắt tay thực hiện làm hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình.
“Quy trình sản xuất ra nguyên liệu lục bình khô trải qua nhiều bước. Thu mua nguyên liệu tươi từ người dân (giá 700 đồng/kg) rồi lựa chọn nguyên liệu sao cho đạt (lục bình đạt 60cm trở lên), sau đó phơi, đan… Ngoài sử dụng phần thân lục bình để đan, tôi còn tận dụng lá và rễ lục bình để dùng vào các việc khác. Như phần lá, có thể phơi khô chọn lọc các lá còn nguyên vẹn không rách và to để bao gói trái cây. Còn phần gốc, do phần này tiếp xúc với nước có màu xậm tối, nên không được sử dụng vào việc đan mỹ nghệ, cắt bỏ đi. Có thể sử dụng phần đó vào việc làm chất độn đóng gói các mặt hàng dễ vỡ...
Còn phần rễ, là phần tiếp xúc trực tiếp với nước, nên có rất nhiều dưỡng chất tốt cho cây trồng; chúng ta có thể sử dụng bằng cách thu hoạch khi còn ướt và bón trực tiếp cho cây tạo độ xốp cho đất. Ngoài ra, có thể phơi, sấy khô và trộn với các loại khác, như: Phân bò, tro… với liều lượng nhất định, để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng” - bạn Ngọc Thuận chia sẻ.
Cùng niềm đam mê khởi nghiệp, nhóm bạn trẻ Nguyễn Thị Chúc Phương (ấp Bình Qưới, xã Hòa An, huyện Chợ Mới) đã thực hiện dự án mang tên “Tiểu cảnh sen đá”. Theo Chúc Phương, sen đá là loại cây cảnh được nhiều người yêu thích. Bởi, loại cây này có sức sống mãnh liệt, với rất nhiều tên gọi và họ khác nhau, không cần tốn nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, nếu chỉ trồng sen đá thông thường sẽ rất đơn điệu. Chính vì vậy, cần sáng tạo ra những loại tiểu cảnh sen đá mi-ni phù hợp với nhiều không gian khác nhau.
Ngoài những chậu sen đá đơn giản, như: Chậu gốm, chậu đá, nhóm bạn của Chúc Phương tận dụng thêm chất thải nhựa tái chế, như: Chai, thùng nước suối, chai dầu ăn, bánh xe… làm cho tiểu cảnh sen đá thêm mới mẻ. Và tiểu cảnh sen đá kết hợp quán trà sữa, thức ăn nhanh là một ý tưởng phong phú, nhiều tiềm năng mà nhóm bạn của Chúc Phương mong muốn chinh phục thị trường...
Đây là những điển hình trong 20 dự án vào vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ VI/2022". “Các dự án không chỉ thể hiện tư duy, tầm nhìn mới trong khởi nghiệp, mà còn góp phần BVMT thông qua quá trình tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường, khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường gây nên. Chúng tôi luôn tạo cơ hội và khuyến khích các dự án có liên quan đến môi trường, làm cho môi trường sống thêm xanh” - chị Thanh Thúy bày tỏ.
PHƯƠNG LAN