Lớn lên ở núi Cấm, bạn Nguyễn Văn Chốn (ấp Vồ Bà, xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) không xem đây là một sự khó khăn mà dành rất nhiều tình yêu với vùng đất này. Chàng trai trẻ này tận dụng lợi thế từ khí hậu mát mẻ, cùng thổ nhưỡng đặc thù ở đất núi để phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình cũng như tạo được những sản phẩm đặc trưng cho địa phương.
Hiện nay, Chốn đang phát triển mô hình ươm và bán cây giống trà tiên - một loại cây đặc trưng của núi Cấm. Cây trà tiên có mùi rất thơm, được người dân sử dụng như một loại trà làm ấm bụng. Có lẽ vì được sinh trưởng ở vùng đất núi, cây trà tiên được hấp thụ khí trời nên theo kinh nghiệm dân gian, trà tiên còn được người dân sử dụng với nhiều dược tính hỗ trợ điều trị bệnh: ăn không tiêu, xương khớp…
Bên cạnh đó, Chốn còn quy hoạch và phát triển lại vườn tiêu của gia đình, chào bán sản phẩm cho khách du lịch như một sản phẩm đặc thù của địa phương. Từ việc phải bán cho thương lái với giá thấp, nay vườn tiêu của gia đình Chốn không đủ cung cấp cho khách du lịch, hành hương đến núi Cấm. Nhờ bán lẻ cho khách du lịch nên giá bán luôn cao và ổn định, góp phần không nhỏ ổn định kinh tế gia đình.
Nhiều bạn trẻ đã chọn những sản vật ở địa phương để khởi nghiệp
Thấy khí hậu ở núi Cấm mát mẻ, Nguyễn Văn Chốn còn nảy ra ý tưởng mang cây dâu tây về để phát triển ở địa phương. Sau khi tìm hiểu kỹ về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, Chốn đầu tư mua cây giống dâu tây về trồng thử nghiệm trên vùng đất này. Hiện nay, cây dâu tây được Chốn thuần dưỡng đã thích nghi và phát triển rất tốt, cho trái với hương vị không thua kém dâu tây ở Đà Lạt.
Sau khi thử nghiệm thành công, Chốn bắt đầu tách ngó dâu được chiết ra từ cây mẹ để cung ứng ra thị trường, tuy số lượng còn ít, mô hình còn nhỏ nhưng đây là khởi đầu thuận lợi và đang đi đúng hướng. Vừa trồng, Chốn vừa học tập kinh nghiệm từ các nhóm trồng dâu tây ở trên mạng, thấy kỹ thuật nào phù hợp là ứng dụng ngay trên cây dâu tây vườn nhà.
Theo Nguyễn Văn Chốn, từ tháng 10 (âm lịch) là thời điểm dâu tây cho trái nhiều, kéo dài đến qua Tết Nguyên đán thì trái bắt đầu giảm. Lúc này, cây dâu tây bắt đầu dưỡng sức để mọc thêm ngó dâu, khi trời vào mùa mưa là có thể chiết ngó để nhân giống dâu tây.
“Ban đầu, mình chỉ định trồng dâu tây để chiết ra bán ngó dâu con, nhưng sau một thời gian trồng thấy dâu tây thích hợp với khí hậu ở địa phương, phát triển rất tốt, ra trái nhiều, màu đẹp, vị ngọt thơm nên nhân giống ra trồng để lấy trái. Đối với những chậu trồng để lấy trái, mình chọn những chậu có kích thước lớn hơn, mỗi chậu có 3 cây giống để vừa tiết kiệm diện tích, vừa dễ chăm sóc” - Chốn chia sẻ.
Dâu tây được trồng ở núi Cấm
Hiện tại, Chốn trồng cả 2 loại dâu tây chịu nhiệt độ cao và dâu tây chịu lạnh. Cả 2 loại đều thích ứng với khí hậu trên núi Cấm. Đối với dâu tây chịu lạnh, khí hậu rất quan trọng, phải đúng nhiệt độ thích hợp dâu mới sống và sinh trưởng tốt. Riêng loại dâu tây chịu được nhiệt độ cao thì trồng ở đâu cũng được. Về hương vị, dâu lạnh có vị ngọt pha thêm vị chua, ăn rất giòn và ngon, màu sắc cũng rất ổn, chuẩn vị dâu tây, không thua trồng ở Đà Lạt.
Còn dâu chịu nhiệt độ cao thì cho trái vị rất ngọt, tuy nhiên theo đánh giá thì hương vị của dâu chịu lạnh có phần ngon hơn. Mô hình trồng cây dâu tây của Nguyễn Văn Chốn hiện đang cung ứng cả 2 loại, phù hợp cho dân chơi kiểng và cả người trồng để lấy trái. Vì dâu được trồng trong chậu nên cũng rất dễ, có thể trồng làm kiểng, nắm bắt được kỹ thuật kích ra trái thì có thể áp dụng thu hoạch cả trái.
Chỉ từ 15-20 ngày sau khi trồng là dâu tây bắt đầu "nhảy" thêm cây con mới, chăm sóc tốt thì cây con ra nhiều, người trồng có thể chiết cây con gây giống thêm để trồng. Như vậy, chỉ cần đầu tư lần đầu cho cây giống, sau đó người trồng có thể tự nhân giống từ những cây dâu tây đã mua, nhờ vậy tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu. Cây con được tách ra từ cây mẹ có phẩm chất tương đương, nhưng chỉ nên sử dụng đến ngó đời F1, F2 là tốt nhất, vì càng về sau cây sẽ giảm dần phẩm chất.
ÁNH NGUYÊN