Khởi nghiệp khó khăn
Chia sẻ cơ duyên đến với nghề sơ chế lục bình, Trần Ngọc Thuận cho biết, giữa năm 2019, sau khi tốt nghiệp đại học, Thuận làm việc tại Khu du lịch rừng tràm Trà Sư. Cuối năm 2019, trong một dịp tình cờ, khi du lịch tại tỉnh Long An, Thuận được tham quan làng nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình. Tiếp cận mô hình này, Thuận nảy ra ý tưởng sơ chế nguyên liệu từ nguồn lục bình có ở địa phương. Đồng thời, tạo việc làm cho người dân.
Năm 2020, Thuận bắt đầu kinh doanh lục bình phơi khô. Khi bắt tay vào làm thì còn nhiều bở ngỡ. Ngoài vốn, Thuận còn gặp khó khăn do thiếu lao động để cắt lục bình; chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phơi cọng lục bình...
“Từ những khó khăn trên, mình quyết định trở lại Long An một chuyến để học hỏi kinh nghiệm làm lục bình. Sau chuyến đi này, mình đã trang bị cho bản thân kha khá kinh nghiệm, kỹ thuật phơi khô nên đã tự tin hơn trong công việc sản xuất” - Thuận chia sẻ.
Sau hơn 1 năm, Thuận đã tích góp được nhiều kinh nghiệm, sản phẩm tạo ra chất lượng hơn. Thuận cho biết, lục bình sau khi mua của người dân sẽ được phơi trong vòng 7 ngày, bình quân 6 - 8 tiếng/ngày (trời nắng). Sau khi khô, lục bình được phân loại, ép kiện và xuất hàng.
Từ những cây lục bình tưởng chừng bỏ đi, Thuận đã “hô biến” trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao
Khó khăn về kỹ thuật cơ bản được giải quyết, Thuận tiếp tục gặp khó về đầu ra, do sản phẩm chưa được nhiều người biết đến. Chàng trai trẻ quê xã Vĩnh Trung bắt đầu “rong ruổi” trên các trang mạng xã hội, tìm kiếm đơn vị liên kết thu mua lục bình phơi khô. May mắn cho Thuận khi tìm được công ty ký hợp đồng thu mua lâu dài. Đây là bước đệm để sản phẩm lục bình của Thuận được nhiều công ty, cơ sở đan lục bình biết đến.
Gần 1 năm hoạt động khá thành công, khó khăn lại tiếp tục ập đến. Do thời tiết thay đổi thất thường đã ảnh hưởng đến quá trình phơi nguyên liệu khiến hàng hóa kém chất lượng, phải bán ra với giá thấp. Giữa năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến Thuận một lần nữa gặp khó khăn về đầu ra. Đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhưng ảnh hưởng từ trước nên Thuận gặp khó khăn về vốn.
“Rất may trong thời gian này, mình được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hỗ trợ vay vốn 80 triệu đồng. Nguồn vốn vô cùng quý giá giúp mình có thêm động lực để tiếp tục con đường lập nghiệp” - Thuận nhớ lại.
Từng bước ổn định
Do điều kiện kho bãi, cộng với nguồn nguyên liệu địa phương dần ít đi, lại thiếu tiềm năng phát triển, nên Trần Ngọc Thuận chuyển hướng sang tỉnh Đồng Tháp để phát triển sản xuất - kinh doanh.
Thuận chia sẻ: “Được 1 người anh trong ngành giới thiệu ở khu vực huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) có rất nhiều lục bình tươi. Bản thân mong muốn thử sức một lần nữa nên quyết định làm lại từ đầu. Thời gian này, do không tìm được nhân công nên bản thân tự thu hoạch, phơi khô… Cũng nhân dịp này, nhận thấy khu vực lân cận có nhiều tổ, thợ đan lục bình lành nghề nên mình liên kết để sản xuất sản phẩm từ lục bình với quy mô khép kín”.
Các sản phẩm được Thuận bao tiêu cho người dân chủ yếu là: Túi xách, bình hoa, nón từ chất liệu lục bình khô. Thuận đồng thời tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội; chào bán tại các gian hàng lưu niệm tại khu du lịch…
Hiện, bình quân mỗi tháng, Thuận cung cấp cho thị trường khoảng 3 tấn lục bình phơi khô, với giá 18.000 - 20.000 đồng/kg. Đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mỗi tháng, Thuận xuất ra thị trường từ 200 - 250 sản phẩm, giá bán 200.000 - 250.000 đồng/sản phẩm. Thuận cũng tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 170.000 - 300.000 đồng/ngày.
Hiện nay, tình hình hoạt động của Thuận dần ổn định. Thuận mong muốn trở về địa phương để phát triển công việc, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động. Đồng thời, giải bài toán về môi trường do lục bình gây ra. Thuận cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đoàn thể để có điều kiện mở rộng sản xuất - kinh doanh…
Dự định của Thuận trong thời gian tới sẽ phát triển sản xuất, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị để phục vụ sản xuất lục bình khô. Bên cạnh đó, nghiên cứu, chế tạo thêm nhiều sản phẩm từ rễ, thân, lá lục bình. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển nghề đan đát từ cọng lục bình để giải quyết việc làm cho lao động địa phương…
ĐỨC TOÀN