Khởi nghiệp với mô hình sản xuất patê, chả lụa

11/11/2020 - 06:34

 - Những năm gần đây, nhiều phong trào do phụ nữ phát động tại địa phương ngày càng có sức hấp dẫn, thu hút nhiều chị em phụ nữ tham gia. Bởi, thông qua các phong trào, các chị em học được thói quen giữ gìn sạch đẹp nhà cửa, đường làng, nói không với tệ nạn xã hội, tiết kiệm, tương trợ vốn làm ăn. Mới đây, tại xã Mỹ Phú Đông (Thoại Sơn, An Giang), phụ nữ còn giúp nhau khởi nghiệp.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mỹ Phú Đông, khởi nghiệp, phát triển sản xuất - kinh doanh là giải pháp quan trọng để người phụ nữ hiện đại tự tạo ra công ăn việc làm, tìm kiếm được nguồn thu nhập, từ đó chủ động hơn trong cuộc sống, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên trong gia đình.

Với phẩm chất cần cù, tinh thần vượt khó sẵn có cùng sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, đề án, nhiều chị em phụ nữ đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn để bắt đầu quá trình khởi nghiệp. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến mô hình của chị Lê Thị Bích Em (ngụ ấp Tân Đông, xã Mỹ Phú Đông) đã mạnh dạn tham gia quá trình khởi nghiệp với mô hình sản xuất patê, chả lụa.

Patê, chả lụa là món ăn không thể thiếu trong những mâm cơm ngày Tết, lễ, đám tiệc. Ưu điểm của cách làm patê, chả lụa là những “bí quyết” làm ra có hương vị thơm ngon đặc trưng và bảo quản được lâu. Sau thời gian thử thách với nhiều ngành nghề nhưng không thành công, chị Bích Em được người quen hướng dẫn cách chế biến patê, chả lụa. Ban đầu, chị nhận được các đơn hàng của khách quen ủng hộ, dần dần có thêm nhiều thực khách mới ở nhiều nơi khác đến.

Đến tháng 1-2017, chị bắt đầu nghĩ đến việc đầu tư dây chuyền để đẩy mạnh sản xuất nhiều hơn. Trong các việc khởi sự, điều khó khăn nhất mà ai cũng gặp phải đó là thiếu kinh nghiệm sản xuất và nguồn vốn đầu tư ban đầu, và chính bản thân chị Bích Em phải đối mặt với những vấn đề như vậy.

Nhưng với bản chất cần cù, chịu khó của người phụ nữ, cùng với ý chí, quyết tâm thay đổi đối với công việc hiện tại cộng thêm sự hỗ trợ từ các dự án của tổ phụ nữ, chị dần dần khắc phục được những hạn chế và làm ra sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng. Từ sự nỗ lực không ngừng trong suốt 4 năm nay, mô hình của chị không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn góp phần tạo thêm việc làm cho 2-3 lao động tại địa phương.

Chị Bích Em chia sẻ về công việc của mình: “Ban đầu, tôi không nghĩ mình sẽ làm được nhiều sản phẩm như vậy, nhưng nhờ món ăn hợp khẩu vị nhiều người, “tiếng lành đồn xa” nên được nhiều thực khách biết đến, ủng hộ thường xuyên. Hiện tại, trung bình 2 ngày tôi làm 1 mẻ khoảng 10kg, các sản phẩm làm xong sẽ bán trong vòng 1- 2 ngày và bắt đầu làm mẻ mới để bán cho khách hàng, nên không có sản phẩm cũ và sản phẩm không để lâu. Phương châm của tôi là phải đảm bảo an toàn cho khách hàng nên luôn cẩn trọng trong tất cả các công đoạn, đặc biệt là khâu chế biến. Tôi không sử dụng chất bảo quản nên đây được xem là điểm cộng để nhiều thực khách ưa chuộng. Đặc biệt, vào mỗi dịp Tết, ngày nào tôi cũng phải tăng công suất gấp đôi mới đủ hàng giao cho khách”.

Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Phú Đông Dương Ngọc Bích đánh giá về hoạt động sản xuất của chị Bích Em: “Sản xuất patê, chả lụa của chị Bích Em là một trong những mô hình khởi nghiệp trên địa bàn xã đem lại hiệu quả kinh tế. Thông qua các hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, chị Bích Em được hỗ trợ vay vốn sản xuất, đến nay, cơ sở sản xuất của chị đã trang bị các loại máy như: máy xay thịt, máy hút chân không và máy lạn da để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, chị còn được giới thiệu tham dự các lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm. Với ý chí và nghị lực vượt khó, khả năng tìm tòi, sáng tạo của bản thân, chị Bích Em đã khởi nghiệp thành công, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, góp phần ổn định kinh tế, giảm nghèo tại địa phương”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích