Khôi phục vùng đất ngập nước Trà Sư

26/09/2023 - 05:58

 - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) khởi động dự án “Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của ĐBSCL - Mekong NbS”. Dự án góp phần cải tạo hệ sinh thái tự nhiên cho Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang), đồng thời mang đến cơ hội cải thiện thu nhập cho người dân vùng lân cận.

Rừng tràm Trà Sư nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là Khu bảo vệ cảnh quan từ năm 2005. Với 845ha diện tích vùng lõi và hơn 1.100ha vùng đệm, khu vực này hàng năm trực tiếp nhận nước lũ từ sông Mekong vào mùa mưa, giúp duy trì chế độ ngập - khô theo mùa của một vùng đất ngập nước tự nhiên. Các sinh cảnh chính là rừng tràm, đầm lầy và đồng cỏ.

Hệ thực vật ở rừng tràm Trà Sư đa dạng với 140 loài, nổi bật nhất là cây tràm và thảm bèo giăng kín mặt nước. Hệ động vật ở đây khá phong phú, với ít nhất 70 loài chim được ghi nhận, trong đó có 2 loài được ghi tên trong "Sách đỏ Việt Nam" là giang sen và điên điển (chim cổ rắn), 11 loài động vật có vú bao gồm dơi quý hiếm, ít nhất 25 loài bò sát và ếch, nhái…

Tuy nhiên, rừng tràm Trà Sư nhiều năm qua phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Với cách điều tiết dựa vào nước lũ hàng năm, nguồn nước không ổn định, có khi gây nên tình trạng úng rễ và làm ngã đổ nhiều cây tràm, lượng bèo phát triển quá mức, mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

“Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và những thay đổi không lường trước được về thời tiết đã khiến cho việc kiểm soát và phòng, chống cháy rừng trở nên khó khăn hơn. Đất canh tác bị suy thoái, sử dụng nhiều hóa chất trong canh tác đã làm giảm khả năng bổ cập nước ngầm. Lợi nhuận thu được từ rừng lớn, hấp dẫn các đối tượng vào rừng săn bắt chim cò, xuyệt cá gây cạn kiệt nguồn động vật tự nhiên” - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng An Giang Thái Văn Nhân thông tin.

Theo Giám đốc Quốc gia của WWF - Việt Nam Văn Ngọc Thịnh, ĐBSCL đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn, như: Biến đổi khí hậu, phát triển thủy điện và các công trình thủy lợi lớn ở thượng nguồn, khai thác tài nguyên quá mức, canh tác nông nghiệp, thủy sản thiếu bền vững... Do vậy, cần phải có những hành động kịp thời, những giải pháp hiệu quả và sự hợp tác chặt chẽ của cả khối công, khối tư, cộng đồng trong nước và quốc tế để giải quyết khẩn cấp những vấn đề này. Một trong những giải pháp đó là triển khai “Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của ĐBSCL - Mekong NbS”. Đây là mô hình điểm cho các địa phương khu vực ĐBSCL tham gia học hỏi và nhân rộng.

Trong giai đoạn từ tháng 8/2023 đến 12/2025, dự án sẽ hỗ trợ Ban Quản lý rừng tràm Trà Sư phục hồi sinh cảnh vùng lõi, hỗ trợ ban quản lý và cộng đồng địa phương bảo vệ, chống chặt phá, loại bỏ cây chết do ngập úng nhằm phát huy tối đa khả năng tái sinh, tạo điều kiện cho thảm thực vật trong rừng tràm phát triển, phục hồi; trồng bổ sung các loài bản địa ở 60ha và nuôi dưỡng 100ha rừng suy thoái; xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát đa dạng sinh học với các chỉ số giám sát cụ thể, đánh giá tính phù hợp với các tiêu chí của Công ước quốc tế Ramsar…

Bên ngoài vùng đệm, dự án hỗ trợ triển khai các mô hình sinh kế mùa lũ mang tính chất “thuận thiên” trên 205ha, tiếp cận ít nhất 100 người và nâng cao nhận thức cho cộng đồng xung quanh ở 5 ấp vùng đệm. Dự án sẽ cung cấp nguồn vốn để thành lập quỹ xoay vòng vốn nhỏ cho hội phụ nữ nhằm tạo các sinh kế thay thế và hỗ trợ kỹ thuật, giám sát vận hành quỹ. Cùng với đó, tăng cường năng lực quản lý và giám sát đa dạng sinh học, tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý, xây dựng kế hoạch quản lý nước để điều chỉnh và kiểm soát mực nước hàng tháng ở các khu vực đáp ứng nhu cầu nước cho các sinh cảnh tự nhiên.

“Với mong muốn đóng góp thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP và Quy hoạch vùng ĐBSCL 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, thời gian qua, WWF - Việt Nam đã hỗ trợ triển khai nhiều mô hình sản xuất “thuận thiên” ở ĐBSCL, như: Trồng lúa mùa nổi kết hợp nuôi cá, lúa kết hợp thả vịt, thả cá bản địa mùa lũ, trồng sen kết hợp nuôi cá, tôm càng xanh...

Qua đó, góp phần tăng thời gian lưu trữ nước lũ trong các cánh đồng ngập lũ, tăng lượng phù sa bồi đắp trên các cánh đồng làm màu mỡ đất, bổ cập cho các tầng nước ngầm và duy trì dòng chảy ở đồng bằng vào mùa khô.

Các mô hình có sự tham gia của người dân, các nhà khoa học, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học An Giang, có sự kết nối với thị trường và các chuỗi cung ứng bền vững. Đây sẽ là tiền đề để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thúc đẩy phát triển các mô hình sinh kế, phù hợp với từng vùng sinh thái trên toàn vùng thượng của ĐBSCL” - Giám đốc Quốc gia của WWF - Việt Nam Văn Ngọc Thịnh mong muốn.

Các mô hình bảo tồn và canh tác “thuận thiên" sẽ được nghiên cứu và triển khai tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư và khu vực xung quanh trong 3 năm tới. Mục tiêu của dự án Mekong NbS là góp phần hoàn thiện các tiêu chí để rừng tràm Trà Sư được làm hồ sơ đề cử trở thành khu Ramsar, vùng đất ngập nước mang nhiều giá trị về kinh tế, khoa học và văn hóa bản địa.

NGỌC GIANG