Khởi sắc làng Chăm

26/01/2020 - 03:45

 - Ở ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vẫn luôn nặng lòng với nhân dân. Trong chuyến về thăm An Phú (An Giang), thấu hiểu những khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông của huyện đầu nguồn biên giới, bằng tất cả tình cảm của mình, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vận động các ngân hàng tài trợ xây dựng 16 cây cầu giao thông trị giá hàng chục tỷ đồng, giúp kết nối những địa bàn khó khăn vùng biên giới.

Bảo tồn giá trị văn hóa

Với lịch sử hơn 120 năm hình thành, làng Chăm Đa Phước (An Phú) là nơi lưu giữ những nét độc đáo trong truyền thống văn hóa Chăm. Đây còn là nơi đi đầu trong phát triển du lịch văn hóa, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa.

Những ngày này, sắc xuân tràn ngập nơi nơi, đồng bào DTTS Chăm ngoài thực hiện các nghi lễ truyền thống, vẫn tham gia đón Tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam. Trước nhà nào cũng trang trí cờ hoa, những khóm hoàng yến, hoa mai trổ vàng 2 bên đường tô điểm thêm cho hương sắc ngày xuân.

Ở An Giang hiện nay có gần 17.000 người Chăm là tín đồ Hồi giáo (Islam), sinh hoạt tôn giáo ở 12 thánh đường, 16 tiểu thánh đường. Các địa phương còn xây dựng tuyến dân cư riêng cho người Chăm ở các xã: Khánh Bình, Quốc Thái, Nhơn Hội, Vĩnh Trường (An Phú), Châu Phong (TX. Tân Châu) và Khánh Hoà (Châu Phú)… để đồng bào sống quây quần, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc. Bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề tiểu thủ công nghiệp như: dệt thổ cẩm, thêu đan, chăn nuôi, buôn bán nhỏ.

Đồng bào DTTS Chăm tích cực hưởng ứng và đăng ký thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, đến nay đã công nhận hơn 90% số hộ. Thông qua các chương trình đã hỗ trợ, đồng bào DTTS Chăm được vay vốn hàng năm gần 3 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ… góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động nhàn rỗi có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đoàn kết cùng phát triển

Ông Jacky, Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang cho biết: “Cộng đồng Hồi giáo luôn ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tôn giáo. Luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chung tay góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, vững mạnh hơn.

Nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, ban đại diện luôn nỗ lực, phát huy tốt vai trò làm cầu nối với các tổ chức, cơ sở tôn giáo, giữa cộng đồng tín đồ Hồi giáo với cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành các cấp.

Tích cực triển khai, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống mới, đời sống văn hóa ở khu dân cư, gia đình văn hóa, bài trừ mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, nêu cao tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Cùng với đó, trình độ học vấn của người Chăm Islam được nâng lên, có 183 em du học nước ngoài, hơn 100 em học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; hơn 95% học sinh được huy động đến trường từ cấp tiểu học đến THPT.

Với tinh thần “tương thân thương ái”, cộng đồng người Chăm tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do mặt trận các cấp phát động; nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “đền ơn, đáp nghĩa”, nhân đạo, từ thiện; tích cực phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… và mở rộng đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

HỮU HUYNH