Cả nước đã có 407 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu tại 61/63 tỉnh, thành phố. (Ảnh: Vietnam+)
Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, gặp rất nhiều khó khăn và chưa đạt được nhiều thành quả tương xứng. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra các bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách đồng thời những đề xuất, kiến nghị nhằm khơi thông các nguồn lực cho phát triển cho khu vực kinh tế này.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” trong khuôn khổ Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” do Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 18/10.
Tỷ lệ lấp đầy ở mức 57%
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh trưởng kinh tế 9 tháng chỉ đạt 4,24%, khiến cho mục tiêu tăng trưởng cả năm và giai đoạn 2021-2025 sẽ rất khó khăn. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải chung tay tìm ra những động lực mới để đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, một trong những giải pháp đó là tăng cường thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Từ đó, thu hút các nguồn lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực, địa phương đồng thời là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế, chính sách mới kỳ vọng tạo đột phá.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, khu vực kinh tế này đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Đến nay, cả nước đã có 407 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu tại 61/63 tỉnh, thành phố, thu hút trên 21 nghìn dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 340 tỷ USD, đóng góp gần 12% tổng thu ngân sách Nhà nước (không bao gồm dầu thô). Bên cạnh đó, khu vực này đã ngiải quyết hơn 3,9 triệu việc làm, tương đương 8,3% lực lượng lao động cả nước.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng. (Ảnh: Vietnam+)
Cùng với những kết quả đạt được, các đánh giá, phát hiện trong quá trình kiểm toán đã phân tích, làm rõ nhiều bất cập, hạn chế cần tháo gỡ sớm, để các khu kinh tế, khu công nghiệp phát huy hết hiệu quả và vai trò. Trong đó, công tác quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, mang tính cục bộ, thiếu gắn kết tổng thể hài hòa với lợi ích quốc gia.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất và đô thị, hạ tầng giao thông không đáp ứng được tính liên kết vùng. Trên thực tế, các mô hình hợp tác sản xuất đơn lẻ trong khu kinh tế, khu công nghiệp chưa tác động nhiều đến sản xuất công nghiệp của địa phương. Vì vậy, các doanh nghiệp rất khó tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Không chỉ có vậy, khu vực kinh tế này chú trọng đến vấn đề giải quyết việc làm hơn là tìm kiếm các ngành nghề tiên phong mang tính đột phá. Do đó, số lượng lao động lớn nhưng vấn đề về an sinh lao động lại chưa được chú trọng tương xứng. Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường nhiều nơi không đồng bộ. Dẫn đến, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp chỉ ở mức 57 % (năm 2022) với tỷ suất thu hút đầu tư trung bình tương đối thấp, khoảng 4,6 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê.
Theo ông Dũng, với vai trò của cơ quan kiểm tra, kiểm soát nguồn lực công, Kiểm toán Nhà nước sẽ cùng với các cơ quan quản lý, các tổ chức, các nhà đầu tư đưa ra những giải pháp để phát triển các khu kinh tế.
Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai
Tiến sỹ Sutthi Suntharanurak, đại diện Kiểm toán Nhà nước của Vương quốc Thái Lan (SAO), chia sẻ trong thế giới phức tạp của quản trị tổ chức và tiến bộ kinh tế, Kiểm toán Nhà nước đóng một vai trò then chốt, là công cụ định hình quỹ đạo kinh tế của một quốc gia. Kiểm toán Nhà nước là cơ quan giám sát tài chính công, đảm bảo rằng mỗi đồng tiền đóng thuế đều được hạch toán, chi tiêu một cách khôn ngoan và mang lại giá trị. Vai trò của Kiểm toán Nhà nước không chỉ kiểm tra sổ sách, mà phải phát hiện các vấn đề tiềm ẩn, từ đó đưa ra các kiến nghị có thể giúp một quốc gia hướng tới nền kinh tế lành mạnh hơn.
“Khi quỹ công được sử dụng hiệu quả và đúng mục đích đã định, điều đó sẽ dẫn đến những cải thiện rõ rệt về cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác. Điều này sẽ thu hút đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tổng thể,” ông Sutthi Suntharanurak nhấn mạnh.
Với Việt Nam, ông Jonathan Ashworth, Kinh tế trưởng, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA)-Toàn cầu, chỉ ra những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong những năm và thập kỷ tới. Và, ông Jonathan bày tỏ tin tưởng với chính sách hợp lý, sẵn sàng tiến hành cải cách và nắm bắt cơ hội, Việt Nam có thể tự bảo vệ mình và thực sự hưởng lợi từ một số thay đổi lớn.
Theo ông Jonathan Ashworth, Kiểm toán Nhà nước đóng góp cho thành công kinh tế tương lai của Việt Nam, thông qua mục tiêu đảm bảo tài chính công bền vững, đặc biệt có liên quan trong bối cảnh hậu khủng hoảng COVID-19 và những thách thức gần đây tác động đến nền kinh tế Việt Nam từ sự kiện ở các nơi khác trên thế giới.
Kiểm toán Nhà nước cùng với các cơ quan quản lý, các tổ chức, các nhà đầu tư đưa ra những giải pháp để phát triển các khu kinh tế. (Ảnh: Vietnam+)
Ông Jonathan Ashworth chỉ ra một số lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước có thể tập trung khi tiếp tục chuyển đổi và thúc đẩy khả năng phục hồi, phát triển kinh tế đất nước. Cụ thể là cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chi tiêu của Chính phủ bằng quy trình giám sát ngân sách. Nguồn lực của khu vực công cần được ưu tiên phân bổ, tối đa hóa lợi nhuận từ tài sản công, tập trung sâu vào giá trị đồng tiền chi tiêu trong khu vực và thúc đẩy việc chuẩn hóa báo cáo. Quản lý rủi ro trên toàn khu vực cần phải tăng cường, kết hợp quản lý rủi ro vào quản trị tổ chức và lãnh đạo ở tất cả các cấp. Đây sẽ là chìa khóa để thúc đẩy quản trị tốt hơn trên toàn khu vực công ở Việt Nam.
“Kiểm toán nhà nước có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, một khía cạnh quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam,” ông Jonathan Ashworth nói.
Tiến sỹ Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành II, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ các “nút thắt” phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong đó, khung pháp lý phải sớm hoàn thiện, đảm bảo các mục tiêu tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó, việc quy hoạch cần bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, liên kết vùng, có trọng điểm và bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững.
Để làm được những điều này cần có các chính sách cần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình khu kinh tế mới và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai dễ dàng hơn và với chi phí thấp hơn. Công tác quản lý Nhà nước cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ.”
“Với vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra lĩnh vực tài chính công, tài sản công, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tăng tính minh bạch, nâng cao hiệu quả và đóng góp cho sự phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các địa phương thông qua hoạt động kiểm toán. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã làm rõ hơn tính đúng đắn trong mô hình phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp đồng thời cũng phân tích, đánh giá những tồn tại để có những đề xuất giải pháp để phát triển khu vực kinh tế này như một động lực quan trọng trong công cuộc đổi mới kinh tế của đất nước,” ông Thăng nói.
Theo Vietnamplus