Không để "thế giới ảo" áp đảo thế giới thật

11/08/2024 - 08:22

Từ khi internet có mặt trong hầu hết lĩnh vực đời sống con người, đã xuất hiện cụm từ "cư dân mạng" để chỉ những người tham gia vào hệ thống mạng toàn cầu. Đến thời điểm hiện tại, những "cư dân" này ước tính khoảng 5,16 tỷ người, trong đó, khoảng 4,89 tỷ người sử dụng mạng xã hội (social network), tương đương 61% dân số thế giới. Với số lượng đông đảo như vậy, họ đã tạo thành một "thế giới ảo" đang ngày càng thâm nhập vào thế giới thật.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Công bằng mà nói, sự ra đời của thế giới ảo này là thành quả ưu việt của khoa học-công nghệ do con người sáng tạo ra và mang lại rất nhiều lợi ích cho con người. Tuy nhiên, thế giới ảo ấy, về mặt nào đó, là thế giới không có biên giới còn những cư dân không cần quốc tịch, địa chỉ cư trú, nghề nghiệp, nơi làm việc, thậm chí không tên tuổi thật. Chính sự tự do ẩn danh này đã tạo điều kiện cho những kẻ bất lương giả danh, mạo danh thực hiện các hành vi lừa đảo, vu khống, bôi nhọ, lôi kéo, bắt nạt, thao túng người khác, thậm chí vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Điều này đã được dư luận nhiều lần cảnh báo, nhưng những hành vi nói trên không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng chóng mặt.

Gần đây nhất là kết quả cuộc thi Hoa hậu Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình quốc tế) 2024 tổ chức tại Phan Thiết đã bị cư dân mạng tấn công dữ dội. Đành rằng, với một cuộc thi mang tính giải trí thì mỗi người xem đều có quyền lựa chọn cô gái đẹp nhất theo ý mình và có quyền bày tỏ bằng các nhận xét, bình luận. Vấn đề ở đây là điều đó cần thể hiện qua cách ứng xử có văn hóa.

Đằng này, một bộ phận anti-fans (người phản đối hoặc người tẩy chay) đã tạo những "trận cuồng phong" các dòng trạng thái và bình luận, chê bai, mạt sát vô căn cứ ban tổ chức, ban giám khảo và thí sinh vừa giành vương miện khiến dư luận không biết đâu là đúng, đâu là sai. Thậm chí, những người này còn dựng chuyện về mối quan hệ thiên vị giữa thành viên ban tổ chức và thí sinh, moi móc đời tư của người trong cuộc với mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân.

Đáng chú ý, đa số chủ nhân các dòng trạng thái, bình luận tiêu cực đều còn trẻ và mang những cái tên ảo, nhiều tên mới được lập ra để phục vụ cho đợt tiến công này. Nạn nhân của những đòn "hội đồng" đến từ thế giới ảo chỉ còn biết trông cậy vào pháp luật, nhưng việc tìm và xử lý những cư dân mạng này không dễ vì thiếu biện pháp kiểm soát và cơ sở pháp lý.

Để hạn chế, tiến tới kiểm soát những tin giả, tin xấu độc, cách đây hơn một năm Bộ Thông tin và Truyền thông đã lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NÐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, trong đó có quy định về định danh tài khoản thông qua cung cấp tên thật, email, số điện thoại hoặc giấy tờ tùy thân để khi cần sẽ xác định chính xác người dùng mạng xã hội là ai.

Tuy nhiên quy định này vẫn đang được cân nhắc vì nó liên quan việc bảo mật thông tin cá nhân. Khó khăn còn ở chỗ, nhiều người có thói quen lấy tên ảo là các loài vật, cây cối, đồ chơi, nhân vật nổi tiếng để ẩn danh, hòng tự do tương tác, nhưng đây là khởi nguồn của các hành vi, lời nói thiếu kiểm soát, cực đoan, vi phạm pháp luật.

Trước tình trạng phạm tội trên không gian mạng tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau đang ngày càng gia tăng, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực cần gấp rút có biện pháp.

Trước tình trạng phạm tội trên không gian mạng tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau đang ngày càng gia tăng, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực cần gấp rút có biện pháp. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại về an ninh quốc gia; uy tín, thương hiệu cá nhân, tổ chức; mà còn ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần, lòng tin vào những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống...

Định danh tài khoản mạng xã hội không phải là trói chân tay người sử dụng mà là biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên mạng. Điều người dùng lo lắng nhất là bảo mật thông tin thì bây giờ đã có những giải pháp công nghệ hiệu quả để thực hiện. Người dùng mạng xã hội nên ủng hộ phương án định danh tài khoản cá nhân, từ bỏ thói quen ẩn danh. Khi ấy những kẻ xấu không thể "núp trong bóng tối", mỗi người sẽ hành xử có trách nhiệm, tôn trọng các quy định của pháp luật, các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục. Đó cũng là bảo vệ chính mình và người thân trong thế giới ảo.

Chúng ta đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó, ngành công nghiệp giải trí là một thành tố quan trọng. Nếu tổ chức tốt ngành công nghiệp này thì nó sẽ tham gia tích cực vào việc thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng văn hóa đa dạng của xã hội, nhất là của giới trẻ, lan tỏa những giá trị tích cực trong cộng đồng, thúc đẩy công nghiệp văn hóa đi lên, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, chuẩn bị các giải pháp công nghệ để tạo một hệ sinh thái văn minh, lành mạnh, tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực hoạt động văn hóa. Việc sớm áp dụng quy định bắt buộc định danh người sử dụng mạng xã hội cần được tiến hành khẩn trương hơn, trước khi tình trạng "thế giới ảo" ngày càng áp đảo thế giới thật.

Theo LA PHÙ (Nhân dân)