Khu chợ “độc, lạ” trên tuyến Quốc lộ

14/02/2018 - 01:14

 - Khi con nước bắt đầu rút, từ lời giới thiệu của người quen, chúng tôi tìm đến chợ nông sản Thạnh Hóa (Long An), nơi được mệnh danh là chợ chim trời lớn nhất miền Tây. Cứ mặc định rằng “chợ” sẽ rất hoành tráng, được thiết kế trong khu vực sinh thái, gần gũi với thiên nhiên, nên chúng tôi rất ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn thấy thực tế. Khu chợ có nét đặc trưng riêng, sẽ khó quên nếu đã một lần tìm đến.

Từ nông sản…

Mấy năm trước, nông sản của miền Tây “ê hề”, nhất là vào mùa nước nổi. Các loại khoai, củ, quả không chỉ được ra chợ, mà còn tràn ra… đường, níu chân khách xa gần. Người này thấy người kia bán “ngon lành”, cũng bắt chước theo. Vậy là, con đường nông sản dần hình thành trên Quốc lộ 62. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của họ tỷ lệ nghịch với an toàn giao thông và an ninh trật tự trên tuyến đường. Thấy vậy, khu chợ nông sản được hình thành dưới sự quản lý của địa phương, trở thành đặc trưng ở vùng quê này.

Mới 8 giờ sáng, chợ còn khá vắng, người bán tranh thủ bày biện, sắp xếp hàng hóa để kịp phục vụ khi khách ghé đông. Cơ man nào là khoai ngọt, khoai mì, củ sắn, củ năng, ấu, ngó sen… chất thành đống dưới đất. Dừng xe nghỉ chân trong quán nước giữa chợ, chúng tôi thưởng thức mấy miếng khóm ngọt lịm mua ở một gian hàng, giá cả rất phải chăng. Tầm 9 giờ, khách bắt đầu xuất hiện đông dần. Mấy chị em phụ nữ hỏi giá hết món này đến món khác, kỳ kèo bớt tiền chút đỉnh. Chị H., ngoài 40 tuổi, xởi lởi giới thiệu giá tiền và xuất xứ của mỗi loại nông sản. Đa số do nhà vườn trong và ngoài huyện đem đến, nên khá tươi và rẻ, chỉ 20.000- 35.000 đồng/kg, tùy loại. Chỉ có điều, khách hàng phải “hốt ngang”, không được lựa từng củ, vì theo như giải thích của người bán là “nông sản dễ hỏng, nếu ai cũng lựa phần ngon trước thì phần cù cặn khó bán, qua hôm sau phải bỏ”.

Mua một ít khoai về làm quà cho người thân, chúng tôi dạo quanh khu chợ. Nói là “khu chợ” cho hoành tráng, chứ thật ra là một dãy kios kéo dài chừng 200m nằm cặp tuyến quốc lộ. Điểm thú vị nằm ở chỗ, các gian hàng bán đủ loại nông sản, đặc sản của các tỉnh, thành phố miền Tây. Tương, chao, đường thốt nốt, bánh tráng, kẹo dừa… đủ cả. Chị H. chép miệng: “Mấy loại đó bán “hụ hợ“ thêm cho phong phú. Khách ở xa tìm đến, thường hỏi mua thêm đặc sản miền Tây. Mỗi món lời lãi không bao nhiêu, chủ yếu nhờ số nhiều, nên việc mua bán cũng tạm ổn”.

…đến đủ loại chim trời

Thế nhưng, khu nông sản không còn là mặt hàng chủ lực ở chợ nữa, mà là đặc sản chim trời, động vật hoang dã. Chính những loại “độc, lạ” này tạo nên tiếng vang cho chợ nông sản Thạnh Hóa. Đang đứng xớ rớ bên đám cúm núm bị treo lủng lẳng, tôi nghe một người đàn ông khoe mớ đặc sản vừa mua được với vị khách khác: “Lần nào đi ngang qua đây, tôi cũng tranh thủ mua một ít cúm núm, cu đất về làm mồi nhậu. Tới lúc muốn ăn, kiếm giáp chợ ở quê cũng không có, trong khi chợ này có đầy đủ”. Anh Quảng (ngụ ở Đồng Tháp) tính toán xem mua loại nào, làm món gì cho phù hợp với bữa tiệc bạn bè sắp tới: “Bạn tôi ở TP. Hồ Chí Minh, thích ăn món đồng quê. Mà vào quán, lo ngại bị “luộc”, ăn phải chim bệnh, không rõ nguồn gốc, lại mắc. Dịp này, ông ấy về quê tôi chơi, nên tôi đổ đường chạy ra đây mua, sẵn tìm có loại nào hiếm, gửi tặng làm quà về thành phố”.

Ở khúc chợ này, người mua chủ yếu là đàn ông. Những ai không sành ăn, không rành các giống chim, chắc chắn sẽ bị choáng ngợp trước hàng trăm thứ: cu đất, gà nước, điêng điểng, cu gáy, le le, cò, cúm núm, vạc, dồng dộc… Chưa kể rắn, chuột, lươn, chim kiểng… hầu như loại nào cũng có. Dù mùa nước nổi đã qua, động vật thiên nhiên dần khan hiếm, nhưng nguồn hàng ở chợ này vẫn dồi dào, khách hỏi mua là có. Theo một người bán, “hàng” được cung cấp từ các tỉnh lân cận, nhưng nhiều nhất là từ Campuchia. Cả khu chợ, mỗi ngày tiêu thụ vài chục ký gia cầm các loại là chuyện bình thường!

Cách chào hàng đon đả của người bán khiến khách ưng lòng, ngã giá nhanh chóng. Mua lẻ thì vài chục ngàn đồng/con, mua chục hay theo ký thì vài trăm ngàn đồng. Mua xong, khách có nhu cầu, người bán sẽ vặt lông, khò qua một lửa. Yên tâm vận chuyển đường xa, tới nơi, khách lấy ra làm thịt sạch sẽ, chế biến là xong. Đám trẻ con nơi đây quen cảnh mua bán, dạn dĩ hẳn. Chúng xách chim còn sống, bắt bỏ vào lồng, không hề sợ hãi.

Có thể thấy, chợ nông sản Thạnh Hóa đã trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều thực khách. Tuy nhiên, điều đáng lo là không ít loài động vật quý hiếm bị đem ra bày bán, thi thoảng mới bị bắt quả tang, xử lý. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An, các loài chim trời bày bán tại chợ không thể sử dụng chế tài xử phạt, do không nằm trong danh mục động vật quý hiếm, kể cả thông thường theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, ngày 30-3-2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm và Thông tư số 47/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25-9-2012 về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường. Còn nguồn chim trời bày bán ở chợ tại Thạnh Hóa đa số được bắt ở đâu, khu vực nào chuyển về, hình thức săn bắt thế nào, ngành chức năng chưa rõ. Mặt khác, UBND tỉnh Long An đã có nhiều văn bản yêu cầu UBND huyện Thạnh Hóa chấn chỉnh hoạt động khu chợ này, đồng thời vận động người dân không mua bán các loài chim, cò hoang dã tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và phản cảm. Ngặt nỗi, “có cầu ắt có cung”, khi người mua vẫn thích thú với đủ loại chim trời, thì kẻ bán đâu thể ngoảnh mặt làm ngơ trước lợi nhuận mang lại! Chỉ mong sao, chim trời đừng bị tận diệt bởi sự ích kỷ của con người…

KHÁNH HƯNG