Ông Phúc tìm hiểu kỹ thuật trồng mai giảo để phổ biến cho nhiều người khác
Ông Khưu Bá Phúc (sinh năm 1962) là cán bộ dân vận của xã Phú Vĩnh. Nhiều năm gắn bó với công tác này, ông góp phần cùng với ban ngành, đoàn thể địa phương đưa Phú Vĩnh trở thành xã nông thôn mới cuối năm 2017.
“Ông Khưu Bá Phúc là cán bộ dân vận nhiệt tình, có nhiều đóng góp cho địa phương, như: vận động nhân dân cùng với nhà nước khôi phục mạng lưới giao thông nội đồng, thực hiện tiêu chí xây dựng cảnh quan, môi trường sạch - đẹp. Tại địa bàn dân cư, ông là một cán bộ hòa giải, giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc tranh chấp trong nhân dân, được người dân yêu mến” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Vĩnh Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ.
Xã Phú Vĩnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2017. Thời điểm đó, để đạt được các chỉ tiêu đề ra, xã chọn các chỉ tiêu không cần vốn để làm trước. Ông Khưu Bá Phúc đã cùng các đoàn thể địa phương nỗ lực vận động nhân dân khôi phục, mở rộng mạng lưới giao thông nội đồng. Khi thực hiện đê Giồng Tượng, một số nông dân không chịu đốn cây bạch đàn để giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Trong vai trò là cán bộ dân vận, ông Phúc đã nhận nhiệm vụ với cấp ủy Đảng, vận động những nông dân này chấp hành chủ trương. Sau thời gian tuyên truyền, vận động, hiểu rõ được việc làm của địa phương, họ cùng những nông dân khác đồng ý cho đốn cây bạch đàn, giao mặt bằng để địa phương làm lộ.
Ngoài việc làm trên, ông Phúc còn tham gia vận động kinh phí xây dựng cây cầu đường đê Giồng Tượng với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng bằng bê-tông cốt thép. “Bà con nhân dân vùng này vô cùng phấn khởi khi có cây cầu đê Giồng Tượng. Từ nay, việc vận chuyển vật tư nông nghiệp, nông sản được thuận lợi hơn, lúa trên đồng bán có giá hơn nhờ thương lái cho phương tiện vào tới tận ruộng” - ông Nguyễn Văn Tung (nông dân xã Phú Vĩnh) bày tỏ.
Ngoài vận động nhân dân trên địa bàn chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các chương trình do địa phương đề ra, ông Phúc còn là thành viên của Ban hòa giải xã Phú Vĩnh. Nhớ lại quá trình tham gia hòa giải ở địa phương, ông Phúc kể về trường hợp của ông Chín Chảnh ở ấp Phú Bình. Thấy vợ chồng ông Thành và bà Xoàn ở xa đến đây chèo ghe bán tạp hóa, ông Chín Chảnh ngỏ ý cho lên trên phần đất của mình cất nhà để mua bán. Ở được 7 năm, ông Chảnh có nhu cầu lấy lại đất thì vợ chồng ông Thành, bà Xoàn không muốn trả, đòi ông Chảnh phải đưa 10 triệu đồng hỗ trợ di dời. Tức giận, ông Chảnh gửi đơn thưa đến xã Phú Vĩnh. Xã cử cán bộ hòa giải tìm hiểu tình hình để giải quyết. Ông Phúc đã cùng các thành viên trong Ban hòa giải xã tiến hành giải thích, vận động ông Thành, bà Xoàn trả lại đất cho ông Chảnh, đồng thời di dời nhà ở của họ đi nơi khác.
“Tất cả các vụ việc hòa giải, chúng tôi phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân, nút thắt của vấn đề nằm ở đâu để từ đó tháo gỡ. Làm công tác hòa giải ở địa phương không phải dễ, nhất là hòa giải các vụ ly hôn, phải vừa có tình, vừa có lý mới hòa giải thành. Đối với tôi, đây là niềm đam mê” - ông Phúc bày tỏ.
Ngoài làm cán bộ dân vận, ông Phúc còn là nông dân giỏi ở địa phương. Ông được Hội Nông dân tỉnh công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì giai cấp nông dân. Ngoài ra, ông còn được Ban Dân vận Trung ương tặng kỷ niệm chương vì công tác dân vận, được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.
“Mục đích của công tác dân vận là làm cho người dân nâng cao nhận thức đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước; nâng cao năng lực làm chủ để qua đó tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng các tổ chức, đoàn thể của địa phương, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, nhà nước với nhân dân. Nhờ vậy, việc gì có sự chỉ đạo của cấp trên, tôi quyết tâm thực hiện cho bằng được” - ông Khưu Bá Phúc chia sẻ. |
MINH HIỂN