Kịch bản tăng trưởng năm 2020

05/02/2020 - 07:30

 - Những chỉ tiêu phát triển đặt ra cho năm 2020 được xem là khá nặng. Để thực hiện đạt yêu cầu, đòi hỏi các cấp, ngành phải nỗ lực hoàn thành kịch bản tăng trưởng do UBND tỉnh đề ra.

Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị. Ảnh: THANH HÙNG 

Phấn đấu từng quý

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, tỉnh đề ra mục tiêu tăng trưởng từ 7-8% (năm 2019 đạt tăng trưởng 7,03%). Tuy nhiên, nhằm phấn đấu cao để đạt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2016-2020), UBND tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng với mục tiêu phấn đấu 8%. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện mục tiêu của từng quý.

Theo kịch bản, mục tiêu quý I-2020, tăng trưởng GRDP so với quý I-2019 là 6,9%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (KV1) tăng 2,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng (KV2) tăng 11,04%, khu vực dịch vụ (KV3) tăng 10,07%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 7,02%. Quý II-2020, mục tiêu tăng trưởng GRDP tăng 9,61% so với quý II-2019 (KV1 tăng 14,39%, KV2 tăng 10,91%, KV3 tăng 9%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp giảm 5,84%). Như vậy, lũy kế tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2020 đạt 7,9 (KV1 tăng 3,33%, KV2 tăng 10,97%, KV3 tăng 9,57%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 6,38%).

Quý III-2020, toàn tỉnh tăng tốc, phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP 8,04% so quý III-2019 (KV1 tăng 2,69%, KV2 tăng 10,69%, KV3 tăng 10,82%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 4,95%). Quý IV-2020 là giai đoạn nước rút về đích với mục tiêu GRDP tăng trưởng 8,2% so với quý IV-2019 (KV1 tăng 3,30%, K2 tăng 10,24%, KV3 tăng 10,17%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 5,67%).

Nếu thực hiện đạt kịch bản tăng trưởng từng quý theo kế hoạch, lũy kế cả năm 2020 sẽ đạt tăng trưởng GRDP 8%, trong đó KV1 tăng 3,04%, K2 tăng 11,7%, KV3 tăng 10,11%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 5,81%.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, mục tiêu này đòi hỏi từng ngành, lĩnh vực phải phấn đấu với quyết tâm cao nhất. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, phải tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; triển khai các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường cho các sản phẩm (lúa, rau an toàn, bắp lai, nấm ăn, bò thịt, tôm càng xanh, hoa - cây kiểng). Đồng thời, đẩy mạnh đưa các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh tiếp cận các hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Tỉnh sẽ tích cực vận động, hỗ trợ địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng; triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm hướng đến phát triển sản xuất lớn, quy mô, liên kết theo chuỗi giá trị…

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: N.C 

Thu hút đầu tư

Theo UBND tỉnh, năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng các chính sách, quy định của tỉnh liên quan tới đầu tư phát triển, điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho DN đầu tư. Đồng thời, nâng chất công tác xúc tiến đầu tư, tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh; xây dựng các chính sách đòn bẩy để thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Để đáp ứng nhu cầu đầu tư ở từng địa phương, tỉnh sẽ rà soát quy hoạch, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế nhằm nâng cao tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng; triển khai Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ triển khai các cụm công nghiệp chuyên ngành; tổ chức khảo sát các DN, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề, khu dân cư để di dời vào cụm công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, An Giang sẽ tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn đi vào hoạt động, tạo đà tăng trưởng cho năm tiếp theo. Trong đó, hỗ trợ Quỹ đầu tư Marshal trình Bộ Công thương phê duyệt bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời Marshal An Giang với công suất 267MWp vào quy hoạch phát triển điện lực. “Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN triển khai các dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư và cam kết đầu tư, nhất là các dự án lớn của các tập đoàn, DN. Đề nghị các ngành, các cấp tích cực, chủ động hỗ trợ kịp thời, báo cáo UBND tỉnh xử lý vướng mắc, phát sinh” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu.

Trong lĩnh vực du lịch, cùng với nâng cấp, khai thác các khu, điểm du lịch hiện có, tỉnh tập trung triển khai chính sách hỗ trợ DN đầu tư phát triển du lịch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cũng như tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch An Giang trong và ngoài nước. Trong đó, kêu gọi đầu tư để xây dựng các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, hiện đại, gắn với phát triển các dịch vụ ăn uống, mua bán sản phẩm du lịch, các sản phẩm tiêu dùng cần thiết. Đồng thời, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án tại Khu du lịch núi Sam; từng bước chấn chỉnh công tác quản lý đất đai ở núi Cấm để kêu gọi đầu tư…

Những chỉ tiêu phát triển chính năm 2020: tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh năm 2010) từ 7-8%; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 192 triệu đồng/ha; kim ngạch xuất khẩu 930 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 38.434 tỷ đồng; thu ngân sách từ kinh tế địa bàn 6.757 tỷ đồng; tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 65%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%; số giường bệnh đạt 25,9 giường/10.000 dân; tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán 22,4%; phấn đấu đạt thêm 14 xã nông thôn mới...

NGÔ CHUẨN