Kiến nghị hỗ trợ khó khăn về ngân sách do dịch bệnh

12/05/2020 - 05:35

 - Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020 của tỉnh An Giang sẽ khó đạt. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh trước kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 (khóa XIV), UBND tỉnh kiến nghị nhiều nội dung, tập trung chủ yếu vào hỗ trợ khó khăn ngân sách do dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề xuất ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Tăng trưởng GRDP quý I-2020 của tỉnh đạt 4,75% (cả nước tăng 3,82%); dự ước 6 tháng đầu năm 2020 GRDP tăng 4,9% (cùng kỳ tăng 6%). Đây là kết quả rất tích cực trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhờ sự vào cuộc quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm 2020 và thành quả của năm 2019.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân giải quyết những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tác động sâu rộng đến các hoạt động KTXH của tỉnh và đời sống của người dân, nhất là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, thu ngân sách.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn được HĐND tỉnh giao năm 2020 là 6.517 tỷ đồng. Nếu không kể nguồn thu từ tiền sử dụng đất và tiền xổ số kiến thiết (theo quy định để lại cân đối chi đầu tư) thì tổng thu cân đối ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn là 4.666 tỷ đồng.

Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu cân đối là nguồn thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, dự toán HĐND tỉnh giao là 1.160 tỷ đồng, chiếm 25% tổng thu cân đối ngân sách. Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nguồn thu sẽ bị sụt giảm 25%, ảnh hưởng chủ yếu ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, tương đương giảm thu ngân sách tỉnh 290 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, địa phương rất cần hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thực hiện theo quy định của Trung ương, tỉnh chủ động triển khai thực hiện chi trả các chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ cách ly tập trung và đơn vị điều trị cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (tổng nhu cầu kinh phí thực hiện là 481 tỷ đồng).

Ngoài ra, thực hiện theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ, tỉnh đã xây dựng kế hoạch điều hành an sinh xã hội theo diễn biến dịch bệnh Covid-19 từng quý còn lại của năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng nhu cầu hỗ trợ các đối tượng là 808 tỷ đồng (trong đó nguồn hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 432 tỷ đồng, nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 108 tỷ đồng, nguồn vận động 1 tỷ đồng, nguồn ngân sách còn phải cấp là 267 tỷ đồng).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin: “Ngân sách tỉnh An Giang hiện đang rất khó khăn do thu ngân sách địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong khi An Giang là một trong những tỉnh hàng năm vẫn phải hưởng trợ cấp (trên 50%) từ ngân sách Trung ương.

Do vậy, để đảm bảo nguồn cho địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH trong năm 2020, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét có cơ chế hỗ trợ cho địa phương được hưởng từ số giảm thu nêu trên. Mặt khác, để đảm bảo nguồn ngân sách chủ động thực hiện chi trả chế độ chống dịch, mua sắm trang thiết bị chống dịch, chi đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét tạm cấp cho ngân sách địa phương hoặc cho ngân sách địa phương ứng trước dự toán kinh phí thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (với số tiền 500 tỷ đồng). Sau khi thực hiện, tỉnh sẽ có báo cáo quyết toán cụ thể gửi Bộ Tài chính để được tiếp tục xem xét, hỗ trợ”.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề xuất thêm, các chủ trương, chế độ chính sách an sinh xã hội nên được chia theo khu vực, theo khả năng tự chủ ngân sách và đặc điểm của từng địa phương, không nên phân bổ đều nhau.

ĐBQH Đôn Tuấn Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bày tỏ: “Những khó khăn An Giang gặp phải là tình hình chung của cả nước trong giai đoạn này. Trong khi đó, nhiều khoản chi chắc chắn phải thực hiện đầy đủ, như hỗ trợ các đối tượng xã hội, chính sách. Nếu ngân sách địa phương chưa đảm bảo được thì cần sự hỗ trợ từ Trung ương. Tôi sẽ cùng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, có động thái làm việc để các cơ quan Trung ương thấu hiểu, chia sẻ và tháo gỡ cho địa phương”.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: “Sự phối hợp của tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Vai trò của ĐBQH được thể hiện rõ nét, nhất là các vị ĐBQH Trung ương đã gắn bó, trách nhiệm, dành nhiều tình cảm cho An Giang. Đối với các kiến nghị lần này, đề nghị UBND tỉnh bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo để Đoàn ĐBQH tổng hợp, đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh An Giang các chính sách cần thiết. Về phía địa phương, chúng ta bước vào giai đoạn phát triển mới, “trạng thái bình thường mới”, nhưng cần sự nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với trước.

Mong rằng, trước hết, lãnh đạo chủ chốt các ngành, lĩnh vực xác định ý thức trách nhiệm cao hơn, có tâm thế mới trong làm việc, linh hoạt thay đổi phương pháp, cách thức làm việc phù hợp với bối cảnh mới. Chúng ta phải tiên phong thì mới kéo cả hệ thống chính trị, nhân dân cùng vượt qua khó khăn này. Tỉnh phải điều hành kịch bản phát triển KTXH sau dịch đạt hiệu quả cao nhất; kết nối nhanh các dự án đầu tư lớn đã đăng ký; tiếp cận cơ hội (về đầu tư công, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh) một cách nhanh chóng”.

GIA KHÁNH