Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Agribank.
Năm 2022 khép lại, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo lượng kiều hối về Việt Nam tăng 4,4% so năm 2021 và dự báo sẽ tăng từ 3,6%-4,5% trong năm 2023. Mức tăng này tương đương khoảng một tỷ USD và đạt gần 19 tỷ USD.
Lượng kiều hối gia tăng hằng năm
Báo cáo về Di trú và Phát triển do WB và KNOMAD thực hiện nhận định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cùng sự ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so các năm trước. Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tuy lượng kiều hối đổ về thành phố năm 2022 có giảm 6,67% so năm 2021, nhưng con số hơn 6,6 tỷ USD vẫn rất ấn tượng, bởi quy mô chiếm khoảng 33% tổng thu ngân sách của thành phố và chiếm hơn 50% so cả nước. Mặt khác, trong những năm qua, thành phố cũng luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối nhận được. Năm 2021, lượng kiều hối về thành phố đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng 9% so năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. "Kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng dương theo từng tháng và đây là tốc độ tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh hiện nay, cùng với các nguồn vốn khác góp phần hỗ trợ kinh tế thành phố", Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức Lệnh nhìn nhận. Về mặt quy mô, kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh trong năm chiếm hơn 50% so với cả nước. Ngoài yếu tố kiều bào có quê quán, gia đình ở thành phố, cùng với tiện ích và hiệu quả của hệ thống chi trả kiều hối, thì môi trường đầu tư cũng như vai trò của thành phố như trung tâm tài chính năng động, lớn nhất của cả nước chính là động lực quan trọng giúp thu hút kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh hằng năm cao nhất cả nước.
Cũng theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, kiều hối là một nguồn ngoại tệ vô cùng quan trọng nhằm bảo đảm cân đối cung-cầu ngoại tệ, góp phần quan trọng trong việc phát huy chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá, tăng lãi suất là không nhỏ. Đồng thời, là một tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính giúp Việt Nam có thể bù đắp, giảm sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đất nước. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối trở thành điểm sáng của Việt Nam, đã vượt mức 10 tỷ USD. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, dòng kiều hối về Việt Nam tuy có sụt giảm theo xu hướng chung của các nước, nhưng vẫn duy trì vị trí trong tốp 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong tốp 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia kinh tế -TS Vũ Đình Ánh, nguồn kiều hối có tác động rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Theo đó, kiều hối giúp Việt Nam ổn định và cân đối cán cân tài khoản vãng lai, từ đó góp phần giúp cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam luôn ở trạng thái tích cực. "Chính vì vậy, chúng ta có điều kiện để thực hiện các chính sách về ngoại hối, tỷ giá hối đoái và nhất là tăng dự trữ ngoại hối sẽ góp phần củng cố tiềm lực tài chính nói chung và tiềm lực tài chính đối ngoại nói riêng của Việt Nam trong năm 2023, làm cơ sở hoạch định chính sách ngoại hối cho các năm tiếp theo", TS Vũ Đình Ánh nhận định.
Lực đẩy quan trọng cho nền kinh tế
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, tại Việt Nam, nếu so với nguồn thu từ xuất khẩu thì kiều hối khá nhỏ, nhưng nếu so với xuất khẩu ròng thì nguồn thu kiều hối lại lớn hơn rất nhiều lần, thậm chí nguồn kiều hối hiện đã tương đương và gần đây cao hơn so với nguồn vốn giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, tổng kiều hối từ năm 1993 (năm đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài) đến nay đạt hơn 200 tỷ USD so với khoảng 190 tỷ USD FDI được giải ngân từ năm 1986 đến nay. Trong giai đoạn hơn 10 năm (2011-2022), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có tỷ lệ tăng trung bình khoảng 7%/năm. Theo chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2022 theo ước tính của WB đạt khoảng 19 tỷ USD, cao hơn 4,4% so với năm 2021 (là 18 tỷ USD). "Khá nhiều trong số này đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tiếp đến là để tiêu dùng, san sẻ cho người thân ở trong nước và để đầu tư..., do đó, rõ ràng đây là một nguồn lực tốt", TS Lực cho biết.
Còn theo ghi nhận của nhiều ngân hàng thương mại, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối. Hiện nay, kiều hối chuyển về Việt Nam qua hai kênh chủ yếu là ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối. Để thu hút "nguồn lực vàng" này, nhiều ngân hàng thương mại trong những năm gần đây đã triển khai nhiều chương trình với chính sách ưu đãi hấp dẫn, đặc biệt vào thời điểm dịp cuối năm khi kiều bào có nhu cầu gửi tiền về hỗ trợ người thân hoặc đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như tại Ngân hàng MSB, lượng giao dịch kiều hối cuối năm tăng khoảng 30% so với các quý khác trong năm. Một số công ty kiều hối có thị phần thuộc nhóm dẫn đầu thị trường cũng ghi nhận tổng lượng kiều hối chuyển về dịp cuối năm 2022 khá ổn định so cùng kỳ, trong đó, số lượt chuyển tiền về tiếp tục tăng trưởng. Như Công ty TNHH MTV Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBR) thống kê trong thời điểm gần Tết, lượng kiều hối chuyển về tăng mạnh, hơn 50% so cùng kỳ. Năm 2022, lượng kiều hối chuyển về cho thân nhân kinh doanh và đầu tư nhà đất vẫn là kênh tăng trưởng cao nhất so với năm 2021.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, dù kiều hối được đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh hay tiết kiệm tiêu dùng cá nhân thì đều là nguồn lực tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Kiều hối luôn là nguồn vốn hết sức quan trọng, về mặt chi phí sử dụng cũng như bản chất khác biệt so với các nguồn vốn khác, vì vậy tính hiệu quả mang lại rất lớn. Bên cạnh đó, kiều hối ở nước ta có đặc điểm mang yếu tố giá trị tinh thần, giá trị nhân văn to lớn, thể hiện truyền thống yêu quê hương đất nước và tình cảm gia đình. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, xuân về, lượng kiều hối luôn tăng trưởng cao qua hệ thống chuyển tiền cũng như trực tiếp khi kiều bào, người lao động về Việt Nam đón Tết. Cùng với vốn ngoại tệ từ thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối sẽ hỗ trợ vào nguồn cung ngoại tệ trên thị trường, góp phần phát triển quê hương, đất nước.
Để phát huy tác dụng nguồn kiều hối, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh các chính sách ưu đãi, thu hút khách hàng từ phía các ngân hàng, Chính phủ cần có những chính sách tích cực nhằm tăng niềm tin cho kiều bào; đồng thời, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực. Cùng với đó cần hướng dòng kiều hối vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các kênh đầu tư tốt, thông qua việc tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cũng như phát triển các thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán,... chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Theo HỒNG ANH, ANH TUẤN (Nhân dân)