Kinh doanh xuất khẩu gạo đã có quy định mới

07/09/2018 - 08:46

 - Ngày 15-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo thay Nghị định số 109/NĐ-CP (được ban hành trước đó). Theo nhiều doanh nghiệp (DN) XK gạo, nghị định này đã thật sự “cởi trói” và tạo điều kiện cho thương nhân tham gia XK gạo. Đây là tín hiệu đáng mừng cho hoạt động XK gạo của Việt Nam trong thời gian tới.

Gạo được bốc xếp qua cảng An Giang ngày càng nhiều

Tạo điều kiện

Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định về  kinh doanh (KD) XK gạo sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10-2018. Theo đó, thương nhân được thành lập, đăng ký KD theo quy định của pháp luật, được KDXK gạo khi đáp ứng các điều kiện như có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa lúa, gạo (phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa lúa, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật). Có ít nhất 1 cơ sở xay xát hoặc cơ sở chế biến lúa, gạo (phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay xát, chế biến lúa, gạo). Kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa, gạo để đáp ứng điều kiện KD quy định nêu trên có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản (theo quy định của pháp luật) với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm. Thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện KDXK gạo không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa, gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện KD trong đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp giấy chứng nhận.

“Tinh thần của nghị định, quy định việc XK gạo lần này tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường của thương nhân, DN. Cụ thể, không bắt buộc thương nhân KDXK gạo phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa, gạo mà có thể thuê các cơ sở này để đáp ứng điều kiện KD. Nghị định không quy định quy mô kho chứa lúa, gạo, công suất cơ sở xay xát, chế biến; không bắt buộc phải có dây chuyền xay lúa. Bên cạnh đó, không hạn chế địa bàn đầu tư, chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa, gạo phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho DNXK các mặt hàng gạo có chất lượng và giá trị cao” - ông Trần Hoàng Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trần Nam thông tin.

Đôi bên cùng lợi

Cùng với việc xóa bỏ nhiều quy định mà DN tham gia XK gạo cho là “rào cản” như: đăng ký hợp đồng XK qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), quy định về giá sàn khi ký hợp đồng XK, nghị định lần này khuyến khích thương nhân tăng cường liên kết với hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) hay người trồng lúa, xây dựng vùng nguyên liệu để bảo đảm chất lượng gạo XK. “Việc Chính phủ khuyến khích DN (tham gia XK gạo) liên kết với HTX, THT xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến XK rất có ý nghĩa, có lợi cho cả đôi bên. Thông qua đó, DN chủ động được nguồn hàng XK luôn đảm bảo chất lượng, tính đồng nhất của sản phẩm. HTX có được đầu ra ổn định, nông dân không phải lo đến vụ thu hoạch lúa sẽ bán cho ai, bán giá nào? Thông qua việc hợp tác này, HTX sẽ chủ động liên kết với các công ty chuyên cung cấp vật tư nông nghiệp để thực hiện mô hình “mua chung, bán chung”, từ đó hạ chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, đôi bên cùng có lợi” - ông Trịnh Văn Dứt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) khẳng định.

Năm 2017 được xem là năm DN Việt Nam thành công trong XK gạo. Cụ thể cả năm, các DN đã xuất được 5,79 triệu tấn, tương đương giá trị 2,62 tỷ USD (tăng 20,4% về lượng và 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016). Bước sang năm 2018, thương mại gạo của thế giới tiếp tục sôi động, đặc biệt từ đầu năm đến nay, các DN Việt Nam tiếp tục có những hợp đồng lớn, giá trị và sản lượng xuất đều tăng, từ đó giá lúa trên đồng của nông dân cũng ở mức hợp lý. Thời gian tới, cùng với thị trường được mở ra, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 107/NĐ-CP sẽ là cơ hội mới để gạo Việt Nam được xuất mạnh ra thế giới, góp phần nâng cao giá trị, uy tín của hạt gạo Việt Nam trên thương trường.

“Nghị định số 107/NĐ-CP bãi bỏ thủ tục kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa, gạo của Sở Công thương. Theo đó, thương nhân sẽ tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về đáp ứng điều kiện KD, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện hậu kiểm… Đáng lưu ý là nghị định  đã điều chỉnh giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông từ 10% xuống còn 5% lượng gạo mà thương nhân đã XK trong 6 tháng trước đó. Điều này đã thực sự tạo điều kiện để thương nhân tham gia XK gạo” - bà Trần Lệ Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến lương thực Nam Sông Hậu chia sẻ.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN