Các nền kinh tế dù tiên tiến, đang phát triển hay kém phát triển đều chịu những tác động tiêu cực với mức độ khác nhau, đòi hỏi phải có những hành động cần thiết của cộng đồng toàn cầu, cũng như của các nhà hoạch định chính sách quốc gia nhằm hạn chế tác hại, hướng tới phục hồi và xây dựng lại nền kinh tế tốt hơn và mạnh hơn trước.
Bức tranh ngày một u ám
Báo cáo mới được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố cho thấy nền kinh tế thế giới có thể bị thiệt hại từ 5.800 tỷ - 8.800 tỷ USD, tương đương 6,4% tới 9,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, do đại dịch COVID-19. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm 2020 và kinh tế thế giới sẽ thiệt hại tổng cộng 12.000 tỷ USD tính đến hết năm 2021.
Người dân di chuyển trên đường phố tại New York, Mỹ ngày 25-6-2020. Ảnh: AFP-TTXVN
Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6-2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay do cú sốc nhanh và lớn của dịch COVID-19 gây ra, cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này.
Việc các tổ chức uy tín toàn cầu liên tục phải điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cho thấy hy vọng đại dịch bị đẩy lùi vào giữa năm nay đã tiêu tan, trong khi khả năng dịch COVID-19 kéo dài hơn, gây tác động tiêu cực toàn cầu trong 6 tháng cuối năm với sự biến động tài chính và đứt gãy các mối liên kết thương mại và cung ứng toàn cầu, ngày càng hiện rõ.
Như vậy, đây sẽ là cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai với phần lớn các nền kinh tế đang phải chứng kiến sản lượng kinh tế bình quân đầu người sụt giảm kể từ năm 1870. Kể cả khi nền kinh tế toàn cầu giảm 4,7% thì mức này cũng là gấp đôi so với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong trường hợp bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, sản lượng kinh tế thế giới có thể giảm tới 7,6%, thậm chí giảm tới 8% trong năm nay.
COVID-19 đã bắt đầu tác động xấu đến Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - từ tháng 2-2020. Số liệu của chính phủ cho thấy kinh tế Mỹ trong quý đầu năm giảm 4,8% và khiến khoảng 22 triệu việc làm đã mất trong tháng Ba và tháng Tư. Các chuyên gia ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ giảm 5,7% trong năm nay và đại dịch COVID-19 có thể sẽ khiến sản lượng kinh tế của Mỹ thiệt hại 7.900 tỷ USD trong thập niên tới.
Kể từ khi mở cửa trở lại nền kinh tế hơn 1 tháng trước, Mỹ đã có thêm 4,8 triệu việc làm trong tháng 6-2020 khi nhiều doanh nghiệp trên cả nước bắt đầu nối lại hoạt động. Tuy nhiên, số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh vào cuối tháng Sáu buộc chính quyền nhiều bang phải dừng hoặc đảo ngược lộ trình mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế. Giới chuyên gia nhận định con đường phục hồi phía trước còn rất dài khi nền kinh tế Mỹ vô cùng bất ổn và sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng khống chế dịch bệnh. Đấy là chưa kể đến nguy cơ do bước leo thang mới trong căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Dự báo mới nhất của IMF cho rằng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ giảm 8% năm nay.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đối mặt với một cú sốc kinh tế nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định đại dịch có thể khiến sản lượng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị giảm từ 5% đến 15%. Tăng trưởng kinh tế của Eurozone năm nay được dự báo giảm 5,4%, khiến 2020 trở thành dấu mốc tồi tệ nhất kể từ khi đồng tiền chung được đưa vào sử dụng năm 1999. Tuy nhiên, dự báo của ECB vẫn lạc quan hơn nhiều so với dự báo của IMF, cho rằng mức suy giảm có thể tới 7,5% trong bối cảnh vòng đàm phán về thỏa thuận thương mại và an ninh giữa Anh và EU tiếp tục bế tắc do những bất đồng nghiêm trọng. Lãnh đạo các nước EU đã nhất trí lập Quỹ Phục hồi 750 tỷ euro (840 tỷ USD) trong ngân sách 2021-2027, như một giải pháp để "cứu" khối này khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng do đại dịch COVID-19.
Châu Á khó thoát suy thoái
Ngay cả khi các biện pháp phong tỏa dần được nới lỏng và một số hoạt động kinh tế chọn lọc được khởi động lại thì các nền kinh tế ở châu Á vẫn tiếp tục cảm nhận tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Theo ADB, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ hầu như không tăng trưởng trong năm 2020 do các biện pháp ngăn chặn dịch đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, trong khi nhu cầu bên ngoài suy yếu. ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng của khu vực này từ 2,2% đưa ra tháng Tư xuống 0,1% và đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của khu vực kể từ năm 1961. IMF thậm chí còn bi quan hơn khi điều chỉnh từ mức 0% xuống âm 1,6% trước tác động ngày càng tăng của dịch COVID-19.
Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - chỉ tăng trưởng 1% năm nay khi đối mặt với biến số khó đoán định vì đại dịch cũng như môi trường kinh tế và thương mại toàn cầu. Trong quý I-2020, kinh tế Trung Quốc suy giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí mức giảm GDP trong quý II có thể lên tới 9,8% theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Khảo sát mới nhất của China Beige Book (CBB) cho thấy, Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng âm trong quý II-2020, nghĩa là đã rơi vào suy thoái. Cuộc khảo sát này cũng thể hiện nền kinh tế lớn nhất châu Á có khả năng tăng trưởng âm trong cả năm 2020. Đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc bị tăng trưởng âm trong nhiều thập niên do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 làm tê liệt sản xuất và hoạt động chi tiêu.
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản cũng ghi nhận GDP giảm đến 3,4% trong quý I-2020 khi cả tiêu dùng tư nhân, chi tiêu vốn và xuất khẩu đều sụt giảm. Giới phân tích dự đoán trong quý II-2020, kinh tế Nhật Bản sẽ giảm tới 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu vậy, đây sẽ là mức sụt giảm mạnh chưa từng có và Nhật Bản khó tránh đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930.
Nhóm 5 nước rất năng động trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan cũng sẽ chứng kiến GDP giảm 2% trong năm nay. Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) dự báo các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm nay khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và thương mại toàn cầu yếu. Tuy nhiên, các gói kích thích tài chính và nới lỏng tiền tệ của các nước trên toàn khu vực cũng sẽ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Dự báo tăng trưởng GDP của các nước ASEAN có thể đạt 8% năm 2021.
Trong khi đó, Việt Nam, nhờ kiểm soát tốt đại dịch, ít chịu tác động nhất so với các nước khác trong khối, dù không "miễn nhiễm" với sự suy giảm mạnh các dòng chảy thương mại. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm này là 2,7%, mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực châu Á. WB cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào năm 2021, song Việt Nam cần phải cải cách mạnh mẽ hơn để giúp kinh tế phục hồi trong trung hạn, như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế số, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 14-6-2020. Ảnh: THX-TTXVN
Lối thoát tình thế
Có thể nói hoạt động kinh tế nửa đầu năm 2020 chịu tác động tiêu cực của COVID-19 với mức độ mạnh hơn dự báo. Hồi chuông báo động kinh tế suy sụp đã được cảnh báo, nhất là ở các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao, khiến hoạt động kinh tế còn suy giảm mạnh hơn. Việc điều chỉnh giảm tăng trưởng do các biện pháp giãn cách xã hội có thể vẫn kéo dài trong nửa cuối năm, ảnh hưởng đến năng suất, chuỗi cung ứng toàn cầu và kèm theo đó là những tác động tiêu cực về mặt xã hội.
Hiện vẫn chưa thể loại trừ kịch bản đen tối nhất khi dịch COVID-19 tái phát, trong khi chưa có vaccine, miễn dịch cộng đồng hay thuốc đặc trị virus corona chủng mới. Bên cạnh đó, một loạt yếu tố rủi ro khác cũng cần lưu ý, bao gồm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, sự biến động tài chính do các dòng vốn bị rút khỏi những thị trường mới nổi cùng với gánh nặng nợ và sự dịch chuyển của trung tâm tài chính lớn nhất châu Á trước bất ổn xã hội đe dọa vị thế của Hong Kong (Trung Quốc).
Trong giai đoạn trước mắt, nền kinh tế thế giới vẫn cần thoát khỏi bức tranh ảm đạm ngay cả khi chưa có đột phá về y tế và virus SARS-CoV-2 vẫn đang lan rộng khắp thế giới, đặc biệt ở khu vực Mỹ Latinh, Nam Á và Nga. Điều này buộc các nước phải suy nghĩ lại về cấu trúc nền kinh tế nhằm hạn chế những tác động tai hại cả về mặt kinh tế lẫn xã hội, nhất là vấn nạn thất nghiệp, nghèo đói kéo theo những bất ổn xã hội.
Các chính phủ trên khắp thế giới đã hành động nhanh chóng trước những tác động của đại dịch, thực thi các biện pháp như nới lỏng tài chính và tiền tệ, tăng chi tiêu cho y tế và hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp vừa và nhỏ để bù đắp những thiệt hại về thu nhập và doanh thu; giúp các công ty đang gặp khó khăn tái cơ cấu lại và có thể chuyển hướng hoạt động, đồng thời tạo điều kiện giữ lại việc làm cho người lao động. Cho đến nay, các nỗ lực được các chính phủ duy trì, tập trung vào những biện pháp này, có thể làm giảm bớt phần nào tác động về kinh tế của COVID-19.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 phơi bày cú sốc cung - cầu, buộc chính phủ các nước cần quản lý sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng; hỗ trợ và tăng cường thương mại điện tử và logistics để cung cấp hàng hóa và dịch vụ; tài trợ cho các biện pháp bảo hộ xã hội tạm thời, trợ cấp thất nghiệp và phân phối những hàng hóa thiết yếu như lương thực. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế và các tổ chức thương mại toàn cầu cần có giải pháp để giao thương và các chuỗi cung ứng hoạt động một cách hiệu quả hơn, công bằng hơn. Các quốc gia cũng cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên và nhiên liệu, tránh để một sản phẩm chỉ phụ thuộc vào một hay hai nhà cung ứng.
Các chính phủ sẽ phải tính toán và định hình lại chính sách, cũng như phải thừa nhận rằng kinh tế toàn cầu sẽ hoàn toàn khác trong tương lai. Các nhà hoạch định phải đầu tư vào các mô hình việc làm và doanh nghiệp mới trong một nền kinh tế tiên tiến, thay vì chỉ cố tái cấu trúc vốn, bơm tiền cho nền kinh tế như trước đây.
Có thể thấy những nỗ lực phục hồi kinh tế đang bị cản trở do thiếu hụt nguồn lực để bù đắp những tổn thất đại dịch COVID-19 gây ra. Bên cạnh việc tăng chi tiêu cho y tế và tăng cường các hệ thống y tế, lúc này, vấn đề bảo vệ thu nhập và việc làm để tránh đẩy công cuộc phục hồi kinh tế kéo dài và khó khăn hơn, cũng trở nên cấp thiết. Điều quan trọng hiện nay là các chính phủ cần thực hiện những biện pháp chính sách nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và đảm bảo không để xảy ra bất kỳ đợt bùng phát dịch nào trong tương lai.
Theo Báo Tin Tức