Những bức ảnh chụp nhanh ban đầu này chứng minh sự trở lại của Hubble đối với các hoạt động khoa học đầy đủ, sau khi được sửa lỗi bằng cách thay thế máy tính dự phòng trên tàu vũ trụ.
Các hoạt động quan sát khoa học bình thường của Hubble đã được khởi động lại vào ngày 17-7. Ngoài việc quan sát các thiên hà kỳ dị, trong số các mục tiêu ban đầu, Hubble còn quan sát các cụm sao hình cầu trong các thiên hà khác và cực quang trên hành tinh khổng lồ sao Mộc.
Hai thiên hà kỳ dị này là một phần của chương trình do nhà thiên văn học Julianne Dalcanton của Đại học Washington ở Seattle dẫn đầu, nhằm khảo sát những thiên hà kỳ dị nằm rải rác trên bầu trời.
Hình ảnh các thiên hà kỳ dị vừa được kính viễn vọng Hubble chụp sau khi hoạt động trở lại. Ảnh: NASA, ESA, STScI, Julianne Dalcanton.
Trong bức ảnh trên, hình ảnh bên trái là một ví dụ hiếm hoi về một cặp thiên hà tương tác ở Nam bán cầu. Những quan sát của Hubble cung cấp hình ảnh sơ lược có độ phân giải cao đầu tiên về hệ thống hấp dẫn nằm cách xa 297 triệu năm ánh sáng này. Các nhà thiên văn học trước đây cho rằng đây là một hệ thống "vành khuyên" do sự hợp nhất trực tiếp của hai thiên hà. Các quan sát mới của Hubble cho thấy sự tương tác đang diễn ra giữa các thiên hà phức tạp hơn nhiều, để lại một mạng lưới các ngôi sao và khí bụi phong phú.
Hình ảnh bên phải là một thiên hà xoắn ốc lớn với các nhánh xoắn ốc mở rộng bất thường, ở khoảng cách 490 triệu năm ánh sáng. Các cánh tay của nó mở rộng ra bán kính 163.000 năm ánh sáng, rộng hơn gấp ba lần so với Dải Ngân hà của chúng ta. Trong khi hầu hết các thiên hà đĩa đều có số nhánh xoắn ốc là chẵn, thì thiên hà này lại có số lẻ là ba nhánh xoắn ốc.
Bà Dalcanton nói: “Thú thực là tôi đã có những lúc lo lắng trong thời gian Hubble ngừng hoạt động, nhưng tôi cũng tin tưởng vào các kỹ sư và kỹ thuật viên tuyệt vời của NASA. Mọi người đều vô cùng biết ơn và chúng tôi rất vui mừng được trở lại với nghiên cứu khoa học!”.
Kính viễn vọng không gian Hubble là dự án hợp tác quốc tế giữa Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Trung tâm bay vũ trụ Goddard (GSFC) của NASA quản lý kính viễn vọng này. Viện Khoa học quản lý Kính viễn vọng Không gian (STScI) tiến hành các hoạt động khoa học trên Hubble. STScI được Hiệp hội các trường đại học nghiên cứu về thiên văn học ở Washington, DC, Mỹ thay mặt NASA điều hành.
Theo LÊ LÂM (Báo Nhân Dân)