Kỳ công nghề vẽ tranh tường

17/11/2020 - 04:39

 - Vẽ tranh tường là một trong những nghề đang thịnh hành hiện nay, qua đó điểm tô cho không gian sống thêm phần sinh động, tạo nên phong cách riêng, đồng thời tạo điều kiện cho các thợ vẽ thỏa niềm đam mê sáng tác và có thêm thu nhập.

Trong khi đồng nghiệp kiếm thêm thu nhập bằng nhiều “nghề tay trái” thì các giáo viên mỹ thuật chọn cách phát huy chính chuyên môn của mình để làm thêm. Nhóm T.ART của anh Hình Tiến Thịnh (giáo viên mỹ thuật ở huyện An Phú, An Giang) là một điển hình. Anh Thịnh đã có 10 năm theo nghề vẽ tranh tường.

Khởi đầu anh làm việc riêng lẻ, tranh tường chưa được phổ biến như hiện nay nên ít ai biết đến, cũng không có điều kiện sử dụng công nghệ để tự quảng bá. Những tác phẩm đầu tay là tranh trong phòng học, nhà văn hóa xã, rồi mở rộng dần ở những không gian công cộng và tư nhân.

Nhóm vẽ T.ART và những tác phẩm tranh tường sống động.

Cũng như anh Thịnh, một số giáo viên mỹ thuật ở các huyện khác cùng thử sức với nghề này, như anh Trần Phú Chọn (giáo viên mỹ thuật ở huyện Châu Phú), trước đây chủ yếu vẽ trang trí cho nhà vệ sinh trường học, lớp học. Anh Chọn là 1 trong 4 giáo viên vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng trong phong trào vẽ tranh trang trí nhà vệ sinh các trường tiểu học, năm học 2019-2020.

Mỗi người sau thời gian nỗ lực đều có những thành công nhất định, họ gặp nhau, thành lập nhóm khoảng 15 người, hỗ trợ chuyên môn và cùng nhau thực hiện các hợp đồng cho cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Vì công việc chính vẫn là giảng dạy nên thời gian nhóm đi làm là ngày cuối tuần. Với vốn thời gian ít ỏi như vậy, nên mỗi công trình đều phải tranh thủ tối đa, nhưng phải đảm bảo nội dung, chất lượng.

Ý tưởng cho mỗi tác phẩm được thực hiện theo yêu cầu đặt hàng hoặc nhóm sẽ gợi ý. Chủ đề thường được chọn là phong cảnh quê hương, biển đảo, hoạt hình thiếu nhi, cổ tích Việt Nam hoặc là những cánh đồng hoa như ở nước ngoài…

Sự sống động của bức tranh phụ thuộc vào tay nghề của người vẽ, với những mảng màu sáng tối, tạo khối xa gần, cao đến thấp, chi tiết phụ. Anh Thịnh cho biết, có rất nhiều đòi hỏi khó trong nghề, nhưng khó nhất là những công trình mà phía đặt hàng giao cho nhóm tự chọn chủ đề, vì không chắc có vẽ đúng ý khách hàng hay không.

Để thể hiện hết “cái thần” của bức tranh, đòi hỏi trình độ, kỹ thuật, hiểu biết của họa sĩ, tay nghề cao trong cách pha màu, bố cục, sống động hài hòa giữa nội dung trong tranh và không gian bên ngoài. Vì vậy, có những hợp đồng, cả nhóm phải “mất ăn, mất ngủ” để lên ý tưởng.

Khi bắt tay vào làm, mỗi người phụ trách vẽ từng nội dung riêng, làm sao khi hoàn thiện mọi chi tiết trở nên hòa hợp. Ngoài tận dụng mạng xã hội để giới thiệu, nhóm còn thường xuyên giao lưu với các nhóm vẽ khác để luôn có sản phẩm đặt hàng vào ngày cuối tuần, duy trì công việc xuyên suốt quanh năm, hễ tác phẩm này gần xong thì nhận thêm tác phẩm mới.

Công vẽ tranh tường được tính theo mét vuông (từ 200.000-500.000 đồng/m2) tùy theo chi tiết nhiều hay ít. Thành công trong mỗi tác phẩm là cách để khách hàng trở thành người giới thiệu cho nhóm T.ART hoạt động ngày càng tích cực, không chỉ trong trường học, nhà văn hóa, mà còn mở rộng đối tượng không gian là đình làng, quán cà phê, quán ăn, công viên, nhà hàng, gia đình…

Tranh tường được vẽ bằng chất liệu màu hạt (Acrylic) và lớp cuối cùng là lớp sơn 2K (một loại sơn bóng được pha trộn từ 2 thành phần trở lên phủ lên bề mặt sản phẩm làm từ gỗ, tường…) để tăng tuổi thọ sản phẩm với thời gian. Cam kết về độ bền của tranh tường, anh Tuấn (thành viên trong nhóm) nói vui: “Khi nào tường hư thì tranh mới hư”. Đối với những bức tường đã cũ, cần phải xử lý “làm mới” lại bằng giấy nhám và lăn bê nền trắng mới vẽ được.

Chúng tôi gặp nhóm T.ART khi đang hoàn thành những nét cọ cuối cùng ở Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh. Nghe các anh kể mới hiểu thêm những cái khó của nghề. Anh Thiết (giáo viên ở TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Mấy lần đầu ngồi trên giàn giáo vẽ hồi hộp lắm, từ từ rồi cũng quen. Công việc này cũng có phần nguy hiểm, mỗi khi dịch chuyển dàn giáo phải hết sức cẩn thận, vừa an toàn cho mình, vừa bảo vệ cho bức tường mới vẽ”.

Có những lúc vẽ quá tập trung vào nội dung, các chi tiết, suýt thì quên đang ở trên cao, hoặc những bức tranh vẽ trên trần nhà phải ngước hàng giờ nên mỏi. Mỗi đợt làm chỉ có 2 ngày nghỉ cuối tuần nên ai cũng phải tranh thủ cho kịp, thời gian nghỉ mệt bên ghế đá hay ngay trên giàn giáo cũng là lúc tranh thủ lấy sức với ổ bánh mì, ly trà đá.

Ánh nắng ít ỏi của buổi chiều trong mùa mưa bão góp chút sắc màu cho những công trình vừa hoàn thiện thêm ấn tượng. Nỗi vất vả xen lẫn những câu cười đùa động viên nhau. Nhìn theo những đường cọ dứt khoát, mượt mà có vẻ như đơn giản, nhưng chỉ người trong nghề mới cảm nhận hết sự kỳ công, và không phải ai cũng thành công với lĩnh vực này.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích