Khánh thành đài vinh danh Sư đoàn 1 tại căn cứ Ô Tà Sóc. Ảnh: N.C
Nhiệm vụ đặc biệt
Năm 1970, tôi là trung úy trợ lý tuyên huấn Ban chánh trị Tỉnh đội An Giang được cử đi cùng Ban Chỉ huy Tiền phương Tỉnh đội vừa thành lập, do anh Trần Thế Lộc (thường gọi Bảy Phong - Tỉnh đội phó phụ trách) về Bảy Núi lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh có mặt như: Đại đội 381 đặc công, Đại đội 385 trợ chiến và Tiểu đoàn A.12 (Quân khu 8 biệt phái) hoạt động độc lập hoặc phối hợp với bộ đội chủ lực.
Lúc này địch đánh phá phong tỏa biên giới trên tuyến kênh Vĩnh Tế rất quyết liệt. Chúng tôi hành quân từ căn cứ B3 - Vạt Lài (An Phú) tới núi Som (Campuchia) tiếp giáp biên giới huyện Tịnh Biên, mất gần 2 tháng mới qua được kênh Vĩnh Tế về núi Dài (xã Ba Chúc). Lúc đầu, chúng tôi trú đóng ở Ô Vàng (xã Lê Trì), sau về bám trụ đồi Ô Tà Sóc - núi Dài (xã Lương Phi).
Đặt chân lên đồi Ô Tà Sóc, nhìn ngọn đồi bị bom cày đạn xới trơ trụi, tôi ngỡ ngàng. Nhớ năm 1962 tôi công tác huyện Tịnh Biên, được cử đi học Trường chánh trị Trần Phú của tỉnh trú đóng cùng cơ quan Tỉnh ủy, Tỉnh đội nơi đây. Hồi ấy, ngọn đồi này hoang sơ, rất nhiều cây cổ thụ 2-3 người ôm, tàng cây liền nhau che ánh nắng mặt trời không xuyên tới đất, không khí ẩm ướt, lạnh lẽo, rắn rết, cọp beo… rất nhiều.
Vậy mà nay bom đạn địch tàn phá sạch ngọn đồi, chỉ còn hang đá (dân bản địa gọi là lò ảng) lồ lộ giữa trời, không còn một gốc cây xanh. Ban đêm, tôi đi công tác về, xa xa nhìn ngọn đồi âm u, đó đây những cây cổ thụ bị bom đạn chặt đứt chết khô, các trận bom trong ngày đốt cháy như ngọn đuốc bập bùng.
Bị địch phong tỏa
Các bộ phận trong Ban chỉ huy tiền phương ăn ở trong một dãy lò ảng liền nhau, chung quanh có các đơn vị bộ đội chủ lực Miền trú đóng. Các điểm cao trước mặt và sau lưng địch đóng chốt, khống chế ta dưới tầm hỏa lực và chỉ điểm phi pháo oanh kích bất cứ lúc nào khi phát hiện bóng người, hay khói lửa trong khu vực quân ta trú đóng. Tuy nhiên, với lò ảng tầng tầng hiểm trở, bom pháo thông thường và bộ binh địch không làm gì được quân ta.
Thấy vậy, cứ vài ba ngày địch dùng trực thăng cần cẩu mang theo hàng chục phuy xăng, khi bay đến mục tiêu thả một đầu lưới, phuy xăng rơi xuống đá bể, một trực thăng vũ trang chúng tôi gọi “cá lẹp” bay phía sau phóng pháo, xăng chảy tới đâu lửa cháy đến đó.
Trong vài ba phi vụ như vậy, có một phi vụ trực thăng cần cẩu mang loại hóa chất gì đó, có người nói xăng bột (?), khi “cá lẹp” phóng pháo không gây cháy, mà có thể sát thương do tạo sức ép không khí rất mạnh. Loại vũ khi nguy hiểm thứ hai là loại hỏa tiễn không đối đất phóng từ trên máy bay có sức công phá lớn, có thể bể tảng đá đường kính 5-7m. Loại vũ khí này từng gây lấp hang đá trên đồi Ma Thiên Lãnh (thuộc quần thể đồi Ô Tà Sóc), khiến tổ tiền tiêu bộ đội chủ lực bị chôn vùi trong hang đá.
Địch còn có cách đánh khuấy rối như: giữa đêm khuya dùng máy bay vận tải bay trên tầng mây, bất ngờ “cắt” một quả bom cỡ lớn xuống căn cứ ta, chúng tôi gọi là “bom trộm”. Hàng đêm vào chập tối hoặc giữa khuya, chúng dập vài chục quả pháo ở đoạn đường mòn độc đạo quân ta đi lại hàng ngày qua Bụng Ông Địa xuống Ô Tà Miệt. Các loại vũ khí gây sát thương lớn địch thi thố với ta không thiếu thứ gì, trừ bom nguyên tử chiến thuật.
Những loại vũ khí nguy hiểm như: “bom lá” (giống chiếc lá cây rừng rụng trên mặt đất, nếu giẫm phải nổ đứt bàn chân), “bom bươm bướm” (từ trong trái bom mẹ trên máy bay ném xuống lưng chừng, nổ văng ra rất nhiều trái, khi chạm đất hoặc vướng cây bung ra 4 sợi dây cước căng 4 góc, ta đi vướng nổ sát thương)… gây không ít thương vong cho quân ta.
Bên cạnh dùng bom đạn đánh phá trực diện, địch còn kết hợp chiến tranh tâm lý (rải truyền đơn, phát loa kêu gọi “chiêu hồi”) và phong tỏa nguồn tiếp tế của quân ta. Do bị phục kích, phong tỏa nên việc qua lại kênh Vĩnh Tế của quân ta ngày càng khốc liệt, nhiều chuyến phải mất 1-2 tháng mới qua được, anh em ta gọi kênh Vĩnh Tế là “kênh Vĩnh Biệt”.
Con đường tiếp tế từ hậu cứ của quân ta trên đất Campuchia qua kênh Vĩnh Tế gần như bị cắt đứt, ngay nguồn tiếp tế tại chỗ cũng bị địch gom dân ra “ấp chiến lược” và cấm dân vào vùng căn cứ ta. Khi quân ta đột nhập vào “ấp chiến lược” mua gạo và nhu yếu phẩm, thường phải trả giá bằng máu. Tình thế hết sức gay go. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn ăn đói, mặc rách, thiếu thốn mọi thứ…
Vượt qua khó khăn
Sư đoàn 1 là đơn vị chủ lực thiện chiến của Miền từng có mặt trên các chiến trường từ Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Tôi nghe anh em nói không có chiến trường nào gian khổ, ác liệt bằng Bảy Núi - An Giang. Dù vậy, chẳng anh em nào kêu than, không ai “chiêu hồi”.
Gần giữa năm 1971, Sư đoàn 1 chuyển hết về miền Tây. Các đơn vị bộ đội tỉnh cùng bộ đội địa phương và du kích 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đảm nhận nhiệm vụ giữ đất vùng Bảy Núi. Lúc này anh Võ Quang Liêm (Ba Liêm), Tỉnh đội phó thay anh Bảy Phong phụ trách Ban chỉ huy tiền phương vẫn trú đóng đồi Ô Tà Sóc.
Nơi này có Đại đội 385 do đồng chí Trần Nhất Quyết làm đại đội trưởng, đồng chí Lê Thành Khởi làm chính trị viên (sau này là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), bố trí đóng chốt đối diện điểm cao địch làm “lá chắn” bảo vệ trước các đợt tấn công dữ dội ngày đêm của địch. Trong một lần cùng tôi đưa cán thương 2 chiến sĩ đi phẫu thuật, đồng chí Quyết đã một mình ôm trọn quả đạn cối 81 ly, hy sinh cách tôi chỉ vài bước chân.
Thấy Đại đội 385 không thể chốt giữ lâu dài, anh Ba Liêm lệnh đưa đại đội về phía sau. Các cơ quan, đơn vị phải cơ động, phân tán bí mật bám trụ, ăn ở theo phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, không để địch phát hiện nhằm bảo toàn lực lượng.
Lúc này, kênh Vĩnh Tế vẫn bị địch phong tỏa quyết liệt, còn việc đột nhập “ấp chiến lược” mua gạo vẫn nguy hiểm. Ban chỉ huy tiền phương tiếp tục bám trụ đồi Ô Tà Sóc, có khi di chuyển xuống Lương Phi, Ô Cạn, Ô Vàng (Ba Chúc) và phải tự bảo vệ như các đơn vị khác. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng quân và dân Bảy Núi vẫn tiếp tục sống, chiến đấu kiên cường đến ngày toàn thắng 30-4-1975.
NGUYỄN MINH ĐÀO