Kỳ vọng “đại lộ, đại phú”

06/01/2023 - 07:58

 - Chưa bao giờ, ĐBSCL được đầu tư đồng loạt nhiều dự án giao thông lớn như giai đoạn hiện nay. Với An Giang, việc triển khai xây dựng các tuyến đường trọng điểm càng thuận lợi hơn khi tỉnh vừa có trữ lượng cát lớn trên sông Tiền, sông Hậu, vừa có những mỏ đá ở vùng Bảy Núi. Vấn đề là cần tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch để sớm triển khai thi công, bởi chính người dân mới thật sự thụ hưởng niềm vui “đại lộ, đại phú” (đường lớn, kinh tế phát triển).

Thỏa niềm mong mỏi

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ khởi công tuyến nối Quốc lộ 91 (QL91) và tuyến tránh TP. Long Xuyên vào đầu năm 2022 vừa là niềm tự hào, vừa là niềm vui khôn tả của người dân An Giang sau hơn 20 năm chờ đợi. Không mong ngóng sao được khi tuyến đường này được An Giang đề xuất xây dựng từ rất sớm, nhưng lại là tuyến đường tránh qua trung tâm của một tỉnh khởi công muộn nhất.

Do ý nghĩa quan trọng của đường tránh Long Xuyên nên ngay sau khi khởi công, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đều rất quan tâm đến tiến độ dự án này, thường xuyên kiểm tra, đốc thúc nhằm đảm bảo công trình hoàn thành trước ngày 31/12/2023 như kế hoạch.

Đầu tháng 10/2022, khi trực tiếp đến kiểm tra công trình, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm tỏ ra chưa hài lòng khi các gói thầu chậm trễ về tiến độ, trong khi mặt bằng cơ bản giao xong. Ông Lâm cho rằng, chiều dài tuyến chính chỉ hơn 15km nhưng có đến 10 nhà thầu (chính và phụ) là điều không thể chấp nhận được.

Ngay sau chuyến khảo sát, Bộ GTVT có văn bản chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đảm bảo tiến độ, chất lượng các gói thầu xây lắp thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên. Bộ GTVT yêu cầu trước ngày 30/4/2023, phải hoàn thành các cầu và phấn đấu thông xe kỹ thuật các gói thầu vào tháng 8/2023. Trường hợp nhà thầu vi phạm cam kết, chủ đầu tư kiên quyết xử lý, điều chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ, chấm dứt hợp đồng… để không làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Nhằm hỗ trợ nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản tại khu mỏ trên sông Tiền (xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) để cung cấp cát cho dự án. Theo đó, An Giang điều chỉnh nâng trữ lượng khai thác cát tại khu mỏ này từ 740.000m3 lên 1,11 triệu m3.

Kỳ vọng cao tốc

Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, sau công trình kênh Vĩnh Tế do Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào cách nay 200 năm (công trình cấp quốc gia, có ý nghĩa chiến lược lâu dài), đến nay, An Giang mới có thêm dự án tầm vóc quốc gia đi qua tỉnh là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đây là công trình mang theo kỳ vọng giúp An Giang bứt phá phát triển, là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh cao tốc kết nối trục dọc, trục ngang giữa ĐBSCL với miền Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh; kết nối lên cao tốc phía Campuchia, mở rộng cửa ngõ giao thương vùng ĐBSCL với các nước tiểu vùng sông Mekong.

Quyết tâm xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được thể hiện rõ trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi HĐND tỉnh thông qua nghị quyết cấp vốn cho dự án, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn đi qua địa phận tỉnh An Giang, do Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo, nhằm thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đối với công trình trọng điểm này.

Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang Nguyễn Văn Du (chủ đầu tư), Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có vai trò rất quan trọng khi điểm đầu giao với QL91 (TP. Châu Đốc); điểm cuối kết nối vào khu vực cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Trên địa bàn An Giang, dự án đi qua TP. Châu Đốc (xã Vĩnh Tế, Vĩnh Châu), huyện Châu Phú (các xã: Ô Long Vỹ, Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú, Bình Chánh), huyện Châu Thành (các xã Vĩnh Bình, Vĩnh Hanh, Vĩnh Nhuận) và huyện Thoại Sơn (các xã Vĩnh Phú, Định Mỹ, Định Thành, Vĩnh Khánh).

Đến nay, cả 5 gói thầu của Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa phận tỉnh An Giang đều đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đang triển khai thực hiện các gói thầu. Chủ đầu tư cùng các ngành, địa phương tập trung triển khai phương án giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch để khởi công dự án trước ngày 30/6/2023.

Kết nối đồng bộ

Có thể nói, giai đoạn 2021-2025 được xem là thời cơ, vận hội lớn để An Giang cũng như ĐBSCL phát triển khi hàng hoạt tuyến cao tốc, cầu lớn bắc qua sông Tiền, sông Hậu được khởi công xây dựng. Khi vùng sông nước không còn phải lụy đò, đường sá rộng mở, sẽ thuận lợi thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo việc làm tại chỗ, người dân không phải “ly hương” nhưng vẫn có cuộc sống tốt hơn. Do vậy, những hộ dân có đất thu hồi khi các dự án đi qua cần đồng thuận, chia sẻ với nỗ lực của nhà nước trong việc xây “đại lộ”, đem “đại phú” về.

Nếu như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên là những trục dọc kết nối An Giang với các tỉnh ĐBSCL, thì những tuyến trục ngang kết nối An Giang qua Đồng Tháp, Kiên Giang cũng được đẩy mạnh triển khai. Trong đó, Tỉnh lộ 945 - tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) đang dần hoàn thiện. Tỉnh lộ 945 có tổng chiều dài 40,55km, chiều rộng đường từ 9-12m, tổng mức đầu tư hơn 1.803 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2024.

Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối QL91 (tỉnh An Giang) với huyện Hòn Đất và tuyến đường ven biển tỉnh Kiên Giang. Công trình hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa An Giang - Kiên Giang, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng du lịch của 2 tỉnh.

Cùng với đầu tư công trình cầu Châu Đốc và tuyến Châu Đốc - Tân Châu, giúp kết nối liên vùng Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đã đề xuất Trung ương hỗ trợ đầu tư kết nối hệ thống giao thông đồng bộ trên địa bàn tỉnh, trong đó có 3 dự án lớn là: Cầu Tân Châu - Hồng Ngự, cầu Thuận Giang và cầu Mỹ Hòa Hưng.

Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận với UBND tỉnh An Giang, cầu Tân Châu - Hồng Ngự dài 890m, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ, tổng chiều dài dự án hơn 17km, tổng vốn đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng. Công trình là mảng kết nối hoàn chỉnh liên kết vùng Đông Nam Bộ qua Đồng Tháp, An Giang, kết nối cầu Châu Đốc, tuyến N1 (cặp kênh Vĩnh Tế) xuống TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).

Đối với cầu Vàm Nao bắc qua sông Vàm Nao, sẽ thay thế phà Thuận Giang, nối huyện Chợ Mới và Phú Tân. Dự án có tổng chiều dài hơn 10km, trong đó cầu chính dài 400m, 4 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Cầu Vàm Nao sau khi hoàn thành kết hợp với Quốc lộ N1 (dài 235km) tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối tỉnh Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp. Công trình rút ngắn quãng đường đến Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đi Campuchia; thay thế phà Thuận Giang, thông suốt tuyến Quốc lộ 80B…

Đối với cầu Mỹ Hòa Hưng, tổng vốn đầu tư khoảng 3.700 tỷ đồng, là công trình có ý nghĩa nối qua Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Theo quy hoạch, vùng biên giới giáp Vương quốc Campuchia tại khu vực Tân Châu (tỉnh An Giang) và Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) sẽ được triển khai “siêu dự án” để thúc đẩy kinh tế biên giới phát triển, đóng góp vào đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo thịnh vượng phát triển chung cho các nước tiểu vùng sông Mekong. Do vậy, cầu Tân Châu - Hồng Ngự và cầu Vàm Nao cần sớm được triển khai nhằm tạo thuận lợi giao thông, vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển cho vùng biên giới ĐBSCL.

NGÔ CHUẨN