“Vựa lúa của vựa lúa”
Năm 2022, An Giang để lại nhiều dấu ấn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 6,87%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra ban đầu (5,2%); thu ngân sách hơn 7.000 tỷ đồng. Các lĩnh vực khác như xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, quốc phòng - an ninh, quân sự địa phương… đều được chú trọng và tăng cường. Đặc biệt, tỉnh chăm lo tốt an sinh xã hội cho người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2023, theo phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Là tỉnh có dân số đông thứ 8 cả nước, đông nhất ĐBSCL, với thế mạnh nông nghiệp, An Giang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của vùng và đất nước. “An ninh lương thực quan trọng lắm. Nhiều nơi trên thế giới đang liêu xiêu về vấn đề này. Trong khi đó, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, An Giang lại gần như là vựa lúa lớn nhất của ĐBSCL, cung ứng xấp xỉ 4 triệu tấn/năm.
Ngày xưa, nghe 2 triệu tấn lúa của An Giang đã thấy khủng khiếp rồi, huống chi 4 triệu tấn. Hiện nay, giữ 3,8 triệu ha lúa là chiến lược lâu dài của Việt Nam. An Giang phải quan tâm thực hiện tốt vấn đề này” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ, khi đến thăm An Giang đầu tháng 1/2023.
Tuy nhiên, GRDP của tỉnh còn thấp so với bình quân cả nước. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng thời gian tới, An Giang vượt mọi khó khăn, thách thức để trở thành tỉnh khá của ĐBSCL, tiến tới thành tỉnh đi đầu trong vùng. Thể chế, nền tảng đã có, đánh dấu bằng Quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ (được quy hoạch sớm nhất trong 6 vùng kinh tế), kế tiếp là Quy hoạch tổng thể quốc gia (vừa được kỳ họp bất thường thứ 2 Quốc hội khóa XV thông qua). Đây được xem là những đòn bẩy chắc chắn để An Giang vươn lên.
Đối ngoại để cùng phát triển
Nhắc nhiều đến hoạt động đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, trong “Năm đoàn kết Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam”, kỷ niệm 50 năm ngày 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao, An Giang làm rất tốt công tác đối ngoại, an ninh biên giới, được nước bạn đánh giá cao.
Điểm mừng lớn là kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2022 của Việt Nam đạt kỷ lục (732,5 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia đạt trên 12 tỷ USD, một con số rất đáng chú ý. Do vậy, là tỉnh có đường biên giới gần 100km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, An Giang cần quan tâm phát triển kinh tế biên mậu, cửa khẩu (huyện An Phú, Tịnh Biên, TX. Tân Châu), khi đã có sẵn lợi thế kết nối đường bộ, đường thủy, cửa khẩu rất thuận lợi. Tạo mọi điều kiện để kết nối kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho 2 nước, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Hướng đến tương lai, vì sự phát triển của nhân dân 2 nước, đặc biệt là đời sống của người Campuchia gốc Việt, An Giang cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật về sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản - thế mạnh lớn của Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng. Đây là nguyện vọng của tỉnh, góp phần cùng phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) với nước bạn, duy trì đường biên giới hữu nghị, hợp tác.
Lực lượng quân sự, công an, bộ đội biên phòng… tiếp tục phối hợp bảo vệ vững chắc thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân và nhiệm vụ quân sự quốc phòng; cùng lực lượng chức năng Campuchia bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn bán người, buôn lậu…
Tăng nội lực cho An Giang
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị An Giang quan tâm triển khai đồng bộ chỉ tiêu, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, đạt mục tiêu cao nhất về KTXH năm 2023. Đồng thời, cần quan tâm xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ kế tiếp; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận các cấp, chú trọng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến phát triển KTXH, đặc biệt là thương mại biên giới, kinh tế đô thị, du lịch; 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là phối hợp khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tạo động lực mới để năm 2023 càng thành công hơn nữa, nâng cao đời sống người dân.
Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến nhà thăm, chúc Tết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Hữu Khánh đề xuất một số ý kiến liên quan đến hoạt động lập pháp của Quốc hội; việc đầu tư cho ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng.
“Trong phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, còn khá bề bộn công việc. Về hạ tầng, Chính phủ đang đầu tư nhiều cho ĐBSCL lẫn An Giang, nhưng chỉ mới dừng ở mức cơ bản. An Giang là tỉnh duy nhất chưa có đường tránh đưa vào hoạt động. Vẫn phải “lụy đò”, vẫn còn cách trở những con sông. Về giáo dục, nơi đây vẫn chưa phát triển bằng cả nước, cần Quốc hội tác động thêm với Chính phủ để quan tâm nhiều hơn” - ông Nguyễn Hữu Khánh bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với các ý kiến của ông Nguyễn Hữu Khánh. Đồng thời, chia sẻ thêm những điểm mới của Quốc hội khóa XV, như: Tập trung ban hành nhiều nghị quyết phục hồi, phát triển KTXH, phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh đầu tư cho ĐBSCL, trong đó có An Giang…
“An Giang là tỉnh có truyền thống cung cấp nhiều sáng kiến, mô hình mới cho Trung ương trong các lĩnh vực, từ xây dựng Đảng đến phát triển “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Tôi mong, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng kiên cường - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cùng đoàn kết “nhất hô bá ứng, tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Từ đó, hóa giải khó khăn, tiến tới thắng lợi hơn nữa trong năm mới” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi gắm.
GIA KHÁNH