Kỳ vọng sức bật xuất khẩu

01/07/2020 - 09:44

Mặc dù chịu nhiều khó khăn từ đại dịch COVID-19, nhưng tính đến hết tháng 6/2020, Việt Nam vẫn xuất siêu 4 tỷ USD.

Công ty cổ phần May Chiến Thắng chuyển đổi dây chuyền sang may quần áo bảo hộ y tế. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu nhằm mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm 2020, nhiều ý kiến cho rằng vẫn phải kỳ vọng vào lực đẩy từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và sức bật của những tháng cuối năm.

Kỳ vọng EVFTA

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6 cả nước ước tính đạt 21 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,6 tỷ USD, tăng 13,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu giảm 2%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 6,4%. 

Trong quý II/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 57,98 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước và giảm 8,3% so với quý I năm nay. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1%; nhập khẩu đạt 117,2 tỷ USD, giảm 3%. Trong 6 tháng đầu năm xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD.

Ông Dương Duy Hưng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) chia sẻ: Thời gian qua, Bộ Công Thương đã bám sát diễn biến dịch bệnh cũng như tình hình thị trường để chủ động xem xét, ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định cũng như triển khai hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu tăng trưởng.

Không những thế, Bộ Công Thương liên tục bám sát tình hình từ những ngày cuối tháng 1 và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp để vừa bảo đảm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa xử lý những ách tắc tại cửa khẩu phù hợp với diễn biến tình hình phía Việt Nam cũng như các nước, đặc biệt là với Trung Quốc.

Theo ông Phan Văn Chinh-Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), do dịch COVID-19 nên chuỗi cung ứng, thị trường xuất nhập khẩu bị gián đoạn.

Thế nhưng, từ giữa tháng 4 đến nay, tình hình đã cải thiện, các nước châu Âu từng bước mở cửa trở lại đối với nền kinh tế. Nhiều nước đã tung ra các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động.

Còn tại Hoa Kỳ, tất cả 50 tiểu bang của nước này đã mở cửa lại từng phần sau khi đóng cửa 2 tháng để thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, việc Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và có hiệu lực thời gian tới sẽ  tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, năm đầu thực thi, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại kim ngạch xuất khẩu cao hơn dự báo. Do đó, việc EVFTA được thông qua sẽ mang lại tín hiệu xuất khẩu tích cực hơn trong thời gian tới.

Còn theo giới phân tích, EVFTA là “bàn đạp” để Việt Nam tham gia sân chơi lớn trên thế giới. Song song với đó là yêu cầu về an toàn chất lượng hàng hóa nội địa và hàng xuất sang nước ngoài cũng cao hơn.

Các quốc gia trên thế giới luôn có yêu cầu cụ thể về chất lượng sản phẩm thông qua việc quy định áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài cho sản phẩm hàng hóa nhập khẩu.

Bên cạnh đó, một số tổ chức phi chính phủ, hiệp hội bán lẻ còn công bố các tiêu chuẩn riêng nhằm tạo ra những công cụ kỹ thuật quan trọng để quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên thị trường tại nhiều nước công nghiệp phát triển.

Chính điều này đặt ra vấn đề nếu doanh nghiệp muốn hàng hóa nhanh chóng được hội nhập và được đặt trên kệ hàng của các quốc gia, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các tiêu chuẩn, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng với môi trường kinh doanh mới.

Qua đó sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua được rào cản khắt khe về hàng rào kỹ thuật để tự tin đưa sản phẩm sang các nước lớn trên thế giới như châu Âu, Hoa Kỳ hay Nhật Bản...

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động, tích cực, nhạy bén trong việc tìm kiếm, nắm bắt các yêu cầu kỹ thuật để đưa hàng hóa xuất khẩu tiếp cận với thị trường mới.

Cụ thể như trong thời gian dịch COVID-19, xuất phát từ nhu cầu đồ bảo hộ y tế phòng dịch trên thế giới tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận, tìm hiểu các tiêu chuẩn của các nước như Hoa Kỳ và EU để đầu tư sản xuất khẩu trang, bộ đồ bảo hộ y tế để xuất khẩu.

Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu năm nay ảnh hưởng nhiều do dịch COVID-19 nhưng giới phân tích cho rằng, các ngành hàng xuất khẩu không cần quá lo lắng, bởi thông lệ, sau kỳ sụt giảm, tăng trưởng xuất khẩu nửa cuối năm có thể khả quan hơn do bệnh dịch được đẩy lùi và EVFTA có hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Để thúc đẩy xuất khẩu, giữ ổn định mục tiêu tăng trưởng, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới.

Trước mắt là kết nối hoạt động xuất nhập khẩu trở lại với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và chuẩn bị sẵn sàng để triển khai thực thi Hiệp định EVFTA. Cùng với đó, Bộ triển khai các giải pháp nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới.

Ngoài ra, Bộ đã xây dựng một số đề án xúc tiến thương mại, lên kế hoạch khả thi, phương án triển khai cụ thể để có thể tiến hành các hoạt động.

Bên cạnh đó, Bộ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc; đồng thời, tiếp tục triển khai hình thức kết nối giao thương trực tuyến và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến.

Đặc biệt, nhằm kịp thời thông tin thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công thương đã thiết lập cơ chế liên kết bảo đảm trao đổi thông tin thông suốt với các Tham tán thương mại, các Vụ Thị trường nước ngoài, Cục Xuất Nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Hiệp hội ngành hàng, Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước trên các ứng dụng Internet.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng kết nối doanh nghiệp trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh tái phát.

Hơn nữa, phải bảo đảm có thể nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch bệnh suy giảm và kết thúc bởi khi EVFTA được thực thi, doanh nghiệp đã phải sẵn sàng tâm thế “đổ bộ” vào châu Âu.

Chính bởi vậy, Bộ Công Thương cũng xây dựng và hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý quan hệ khách hàng tích hợp cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam theo nhóm ngành hàng, khu vực địa lý, quy mô, loại hình doanh nghiệp, năng lực sản xuất xuất khẩu, nhu cầu xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng chia sẻ quyền truy cập hệ thống cho hệ thống các Thương vụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cùng khai thác, sử dụng để tăng cường khả năng kết nối cơ hội kinh doanh, đầu tư thúc đẩy xuất khẩu.

Theo UYÊN HƯƠNG (Báo Tin Tức)