Mê lan… bỏ phố về quê
Sau 6 năm bén duyên với hoa lan, anh Lê Văn Lộc (Phú Tân, An Giang) lập hẳn một khu vườn quy mô giữa vùng quê. Khu vườn có hơn 2.000 chậu lan rừng và các loại lan đang được ưa chuộng trên thị trường. Giới thiệu với khách tham quan, anh Lộc khẳng định: “Ngoài vẻ đẹp, thú chơi sang trọng, lan còn đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, đó là “lợi ích kép” thu hút người chơi lan đeo đuổi. Đơn cử 1 kie lan 5 cánh trắng Phú Thọ, thời điểm tôi mua về khoảng 8 triệu đồng, sau 1 năm rưỡi chăm sóc, cây nâng giá trị lên khoảng 400 triệu đồng.
Tại đây, cây lan tôi đang sở hữu giá trị cao nhất khoảng 700 triệu đồng, vẫn còn là giá “tầm trung” so với các loại đột biến được giới chơi lan biết đến”. Anh Lộc cho biết, bản thân rất mê hoa lan và đầu tư nhiều thời gian để tìm hiểu, trao đổi với người chơi và các vườn lan chuyên nghiệp trong nước, đặc biệt bị thu hút bởi lan đột biến.
Sau thời gian tiếp cận, anh Lộc tự trồng, nhân giống, bán sản phẩm khá ổn định nên quyết định từ bỏ công việc ở TP. Hồ Chí Minh để gắn bó với nghề trồng lan. Ở vùng sâu thuộc xã Hiệp Xương, vườn lan bạc tỷ của anh Lộc thật… không giống ai. Cuối tháng 12, lần đầu tiên anh tổ chức buổi giao lưu, kết nối các nhà vườn ở nhiều tỉnh, thành phố, mời công ty phần mềm gắn mã QR truy xuất nguồn cho số lan đột biến, lắng nghe những ý kiến đóng góp của người cùng nghề về mô hình của mình.
Cấp mã minh bạch cho lan đột biến
Trong vườn lan của anh Lộc, không gian trên cao là nơi đặc biệt để chăm sóc khoảng 200 chậu lan đột biến, lợi dụng được địa thế thuận lợi bên dưới có nước, xung quanh thoáng khí. Anh còn trang bị thêm máy đo độ ẩm, máy phun sương để điều chỉnh môi trường thích hợp. Khoảng 10 năm nay, lĩnh vực lan đột biến nở rộ, nhất là 5 năm nay nó trở thành hiện tượng “sốt” rất mạnh trong cộng đồng chơi lan.
Cấp mã QR cho lan đột biến
Về mặt tích cực, nó kéo theo những ngành nghề khác, như: sắt, thép, thợ, bộ phận làm giá thể, phân bón, bộ phận làm thị trường… có điều kiện phát triển nhưng cũng có nhiều mặt tiêu cực không đáng có, như hiện tượng làm giả mặt hàng để gây những hiểu lầm sai lệch trong thị trường, ảnh hưởng người chơi lan, nhất là người mới chơi. Những câu chuyện người mua hoa lan gặp phải lan đột biến “dởm” và đánh đổi bài học bằng số tiền rất lớn vẫn còn nóng hổi. Là người chịu trách nhiệm nguồn cung, anh Lộc thông tin, đa số lan đột biến đang sở hữu do anh dày công sưu tầm trong 6 năm qua.
Tùy thời điểm, 1cm có giá 1 triệu đồng, phù hợp cho người bắt đầu chơi, nâng dần lên các loại 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng HO (2-3 triệu đồng), hồng yên thủy, bạch tuyết (50 triệu đồng/cm)… Nhìn mắt thường thì không ai dám khẳng định 100%, nên tại đây, lan được gắn mã QR, có thể truy xuất nguồn gốc để chịu trách nhiệm bên người bán và đảm bảo hơn cho khách hàng.
Kỳ vọng thị trường tiềm năng
GS Trần Duy Quý (nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Việt Nam), hiện là Chủ tịch Hội lan Hà Nội, nhận xét vườn lan của anh Lộc tương tự các vườn ở khu vực ĐBSCL, tận dụng được ưu thế trên triền sông, khí hậu mát mẻ điều hòa, bốn bề đều thoáng. Đặc biệt, tỉnh An Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, phù hợp với tất cả nhóm lan của Việt Nam, đặc biệt là nhóm lan thòng thuộc chi Denro. Đây là chi lan riêng Việt Nam có khoảng 105 loài, trên thế giới có trên 1.000 loài.
Từ những lợi thế này và sự phát triển của lĩnh vực hoa lan ở Việt Nam, GS Trần Duy Quý khẳng định, hoa lan là lĩnh vực có thể tự tin phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Thú chơi hoa lan ở Việt Nam có từ thời vua Trần Nhân Tông đến nay, ngày xưa quan niệm vua chúa mới được chơi lan, bây giờ đối tượng rất rộng rãi.
Giao lưu, tìm hiểu các loại lan đột biến
Theo GS Trần Duy Quý, gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến trong ngành sản xuất hoa, cây kiểng, riêng vùng ĐBSCL có rất nhiều vùng phát triển, như: Sa Đéc, Long Xuyên, Cần Thơ… Thị trường Việt Nam đang vươn tới rất mạnh là lúa gạo, nhưng toàn thế giới chỉ xoay quanh 30 tỷ USD, trong khi hoa lan, rau hoa, cây cảnh trên thế giới chiếm khoảng 150 tỷ USD. Đó là thị trường cực kỳ rộng lớn và Việt Nam mới bắt đầu bước vào sân chơi, chúng ta không sợ thừa nhu cầu như một số mặt hàng khác.
Để mở đường cho ngành hoa lan phát triển, GS Trần Duy Quý gợi ý: “Chúng ta phải biết học tập kinh nghiệm, tận dụng tất cả khoa học - công nghệ của thời kỳ 4.0. Trên nền tảng những giống đang có, chúng ta có thể lai tạo ra những giống mới hoàn toàn không có trong tự nhiên, hướng đến thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Lan cắt cành, lan cây, đặc biệt là lan đột biến có thể làm nên những tác phẩm đẹp trên gỗ lũa, trái cây, mô hình các con thú… và có thể cho ra hoa vào những thời điểm mong muốn trong năm, như: lễ, Tết mà các nước không thể làm được. Chúng ta không cần xuất số lượng nhiều mà chú trọng những sản phẩm có giá trị, như thời gian qua đã được cho các nước đặt mua thường xuyên, là: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…”.
MỸ HẠNH